Vụ dùng chất tẩy rửa bồn cầu làm nước mắm: Phạt hành chính có khác gì tiếp tay cho kẻ thủ ác?
Tôi luôn trân trọng và sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ những doanh nghiệp mới chào đời, nỗ lực tiến lên, làm ăn tử tế. Thậm chí, nếu bản thân một doanh nghiệp nào đó đã từng vấp váp, sai phạm nhưng họ biết khắc phục để vượt qua, làm lại thì tôi nghĩ, với truyền thống đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, chúng ta cũng có thể tha thứ.
Tuy nhiên, có những thứ vi phạm mang tên tội ác thì tuyệt đối không thể tha thứ mà bắt buộc phải trả giá, thậm chí trả giá bằng cả cơ đồ, sinh mệnh. Ông trời tuy xa nhưng nhìn thấu cả, vậy nên mới có câu “Người làm Trời nhìn”. Những hành vi độc ác, giết hại đồng loại chỉ vì mưu lợi cá nhân thì dẫu có tinh vi giấu giếm đến đâu thì cũng có ngày lộ thiên.
Vụ việc về 3 doanh nghiệp dùng hóa chất cọ bồn cầu chế biến nước mắm là vô cùng độc ác, khốn nạn và đáng bị trừng trị thích đáng để làm gương. Chúng sử dụng nguyên liệu đầu vào là “nước hoa cà” và nước bọt ngọt để cho chạy qua hệ thống xác cá, trong đó nước hoa cà được làm bằng cách sử dụng soda công nghiệp trung hòa axit trong bột ngọt và bổ sung dịch chưng cất đầu tôm dể tăng độ đạm. Loại soda được sử dụng là soda Ash light-Na2CO3 là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), thuốc nhuộm, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm.
Đáng nói hơn là cơ quan thanh tra sau khi phát hiện vụ việc, đã xử phạt… hành chính và ….giấu nhẹm chuyện đi, đến lúc hội nghị tổng kết cuối năm mới lòi ra và khi dư luận ầm ào lên thì lúc đó mới xuất hiện “tên tuổi” của bốn công ty “sát nhân” này. Cụ thể:
1, Cty TNHH MTV Điều Hương (Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành – tỉnh An Giang)
2. Cty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (47 Trần Phú, Thành phố Vĩnh Long)
3. Cty TNHH Thực Phẩm Tấn Phát (Tổ 1 ấp Tân Đông, xã Tân Quới, Bình Tân, Vĩnh Long)
Đối với những doanh nghiệp sát nhân này, nếu không có chế tài xử lý mạnh mẽ và quyết liệt như: Truy tố trách nhiệm hình sự, thì muôn đời chúng ta không thể ngăn chặn được tình trạng chế biến thực phẩm bẩn độc, giết hại nòi giống và hủy hoại tương lai của cả dân tộc.
Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng thiết thực, nguồn sống mỗi ngày của con người. Nếu chế biến thực phẩm bẩn, độc hại tung ra thị trường hàng trăm ngàn tấn thì có khác gì những kẻ sát nhân máu lạnh? Vậy mà chỉ phạt hành chính, phạt xong thì cho họ tồn tại để rồi tiếp tục vươn vòi bạch tuột hãm hại người tiêu dùng? Làm vậy có khác gì tiếp tay cho kẻ thủ ác?
Với kiểu xử lý hiện nay thì tình trạng chế biến và tiêu thụ thực phẩm bẩn, độc hại sẽ vẫn còn tiếp diễn và sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng luôn bị rình mò bởi lưỡi hái tử thần!
Đào Bình