8
category
326680

Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Nhiều người dân vẫn chưa trở về nhà

28/09/2019 07:27

Ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 27.9 cho thấy, dọc phố Hạ Đình, bên ngoài trụ sở Công ty Rạng Đông, những điểm thực phẩm đã mở cửa lại, nhưng vẫn còn nhiều hộ kinh doanh đóng cửa. Nhiều nhà dân vẫn khóa cửa.

Bộ Tư lệnh Hóa học tẩy độc ở Công ty Rạng Đông  /// Ảnh: Đặng An
Bộ Tư lệnh Hóa học tẩy độc ở Công ty Rạng Đông

Đã một tháng kể từ ngày xảy ra vụ cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại với người dân, nhiều người vẫn chưa dám trở về nhà, do việc dọn hiện trường, khắc phục hậu quả vụ cháy chưa kết thúc.

Ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 27.9 cho thấy, dọc phố Hạ Đình, bên ngoài trụ sở Công ty Rạng Đông, những điểm thực phẩm đã mở cửa lại, nhưng vẫn còn nhiều hộ kinh doanh đóng cửa. Nhiều nhà dân vẫn khóa cửa.

Ông Phạm Khắc Kiệm, nhà số 4, khu dân cư số 5, P.Hạ Đình (Q.Thanh Xuân), cho biết khu nhà ông ở có 40 – 50 hộ, chỉ lác đác vài hộ quay về ở lại. Gia đình ông chỉ có ông ở lại trông coi nhà cửa, còn con cháu thì đi thuê nhà ở nơi khác từ sau vụ cháy đến giờ. Hai người cháu của ông không hề về nhà từ hôm đó, vì gia đình lo ảnh hưởng sức khỏe các cháu. “Trong nhà tôi bây giờ vẫn còn mùi khét, cửa vẫn chưa dám mở. Việc dọn dẹp sau đám cháy cũng đã xong đâu, nên làm sao dám về”, ông Kiệm nói.

Là bảo vệ tại khu nhà A2, ngõ 84 Hạ Đình, ông Nguyễn Ka Long cho biết, ngày 27.9 chỉ có hai căn hộ là P.705 và P.506 dọn đồ quay trở lại sau thời gian sơ tán tránh ô nhiễm từ vụ cháy nói trên. “Tòa nhà A2 có 12 tầng mỗi tầng có 8 căn hộ nhưng đến nay cả số hộ vừa dọn về lại và hộ không sơ tán sau vụ cháy chỉ có 30 – 40 hộ thôi, số còn lại chưa quay trở về”, ông Long nói.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Nhiều người dân vẫn chưa trở về nhà - ảnh 1
Bên trong Công ty Rạng Đông, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục dọn dẹp, tẩy độc Ảnh: Phan Hậu

Người dân nên gửi yêu cầu bồi thường đến Công ty Rạng Đông

Vụ cháy gây ô nhiễm, nhà ở sát nhà máy, chúng tôi buộc phải đi thuê nơi khác, chi phí tốn kém thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ người dân chúng tôi chứ

Bà Lương Thị Khuyên,  P.105B, nhà A2, chung cư 54 Hạ Đình

Đến nay vẫn chưa có thời hạn cuối cho việc hoàn tất dọn dẹp hiện trường, tẩy độc. Cùng với đó, Viện Hàn lâm khoa học VN cũng chưa công bố kết quả kiểm định mẫu độc lập của mình. Chưa thấy nhà máy hay chính quyền nhắc nhở gì về việc bồi thường. Ông Kiệm cho rằng, vụ cháy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, buộc người dân phải đi thuê nhà, thì phía doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đền bù cho người dân, trước mắt là tiền thuê nhà, chưa kể vụ cháy gây ảnh hưởng về tinh thần, công việc bị gián đoạn… “Nhiều người dân bắt đầu đề cập đến việc đền bù, nhưng phía tổ dân phố chưa thấy họ tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị gì. Những người dân như tôi đây sẽ viết đơn đề nghị doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại, tổn thất người dân phải chịu sau vụ cháy”, ông Kiệm bức xúc.

Bà Lương Thị Khuyên, P.105B, nhà A2, chung cư 54 Hạ Đình (Q.Đống Đa), bày tỏ không chỉ tốn kém tiền bạc, việc phải đi thuê nhà gây xáo trộn lớn về công việc. Gia đình bà Khuyên có 5 người hiện ở nhà thuê trên đường Ngọc Hồi (Q.Hoàng Mai) 10 triệu đồng/tháng, chủ nhà yêu cầu ký hợp đồng tối thiểu 3 tháng. Trong khi con bà Khuyên làm việc ở Mỹ Đình, mỗi ngày đi làm xa gấp 3 lần so với trước. Cháu nội bà Khuyên học mầm non ngay trong khu Hạ Đình phải nghỉ học, ở nhà với ông bà cả tháng nay.

“Nhà mình thì đóng cửa để đấy không ở được, vụ cháy gây ô nhiễm, nhà ở sát nhà máy, chúng tôi buộc phải đi thuê nơi khác, chi phí tốn kém thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ người dân chúng tôi chứ”, bà Khuyên nói.

Theo luật sư Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại – Công nghiệp VN), người dân có quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường, nhưng do thủ tục khá phức tạp, lại bị cản trở vì không thể kiện tập thể, nên điều người dân nên làm bây giờ để đòi quyền lợi cho mình là thống kê thiệt hại và gửi yêu cầu bồi thường đến Công ty Rạng Đông. Đây là việc ai cũng có thể đứng ra làm và có thể làm tập thể. Việc đền bù được xác định theo nguyên tắc đền bù ngoài hợp đồng theo bộ luật Dân sự 2015. Người dân có thể tham khảo các luật sư để thống kê thiệt hại làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Sau bước này, nếu Công ty Rạng Đông không có động thái trả lời thì có thể khởi kiện ra tòa.

Theo luật sư Đức, tuy luật pháp hiện không cho phép kiện tập thể, nhưng nếu tòa thấy nhiều vụ kiện có tình tiết giống nhau thì có thể gộp thành một vụ án để giải quyết chung. Trong trường hợp này người dân có thể cử ra người đại diện trước tòa để đòi quyền lợi.

Việc khắc phục hậu quả vẫn đang tiếp tục

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh (BTL) Hóa học (Bộ Quốc phòng), ngày 25.9, các đơn vị chức năng bắt đầu tiến hành tiêu tẩy độc trên diện tích 2.000 m2 nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông sau khi Công ty cổ phần môi trường đô thị – công nghiệp 10 (URENCO 10) thực hiện việc thu gom và bàn giao. Đến thời điểm hiện tại việc tiêu tẩy độc này đã hoàn thành. Còn 4.000 m2 diện tích nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông phải tẩy độc, BTL Hóa học sẽ tiếp tục làm sau khi URENCO 10 thu gom xong và bàn giao lại mặt bằng.

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty URENCO 10, cho biết theo phương án đã thống nhất, công ty chia khu vực nhà kho bị cháy thành 3 phân khu để thu gom rác thải và bàn giao mặt bằng để BTL Hóa học tẩy độc. “Dự kiến, ngày 28.9 chúng tôi sẽ bàn giao 2.000 m2 của phân khu thứ 2 cho BTL Hóa học để tẩy độc. Phân khu cuối cùng dự kiến sẽ hoàn tất việc thu gom và bàn giao vào ngày 2.10”, ông Phong thông tin và nói thêm, việc tiến hành thu gom được URENCO 10 tiến hành cẩn trọng vì vừa thu gom, vừa phải xử lý để đảm bảo an toàn.

Theo thông tin từ Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học VN), việc phân tích mẫu nước, không khí, đất quanh khu vực Công ty Rạng Đông vẫn đang được tiếp tục và có thể sẽ xong trong tuần tới.

VŨ HÂN

Đọc nhiều