Vụ bé trường Gateway tử vong: ‘Sự cẩu thả của người lớn là bất lương’
Nếu giáo viên phụ trách điểm danh, nếu tài xế kiểm tra xe trước khi rời đi, nếu cô chủ nhiệm đặt câu hỏi về sự vắng mặt của học trò… cậu bé 6 tuổi có lẽ đã không phải chết.
Những ngày qua, chị Mai Linh (28 tuổi, giáo viên tiểu học ở Hải Phòng) theo dõi không thiếu một tin bài nào liên quan đến vụ bé Lê Hoàng Long (6 tuổi) tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway.
Tự nhận là người nhát gan, chị thường không dám đọc hoặc xem những tin tức chết chóc và tang thương, nhưng lần này là ngoại lệ.
“Ở cương vị một người mẹ, tôi không thể tưởng tượng nổi bố mẹ và người thân của bé vượt qua cú sốc tinh thần này như thế nào. 7h sáng vẫy tay chào con, hơn 16h chiều lại nghe hung tin để rồi đến câu chào tạm biệt cũng không có. Nhìn gương mặt bé con lanh lợi, thông minh mà xót xa thực sự. Vừa xót, vừa phẫn nộ với những lý do phía nhà trường cùng các nhân vật liên quan đưa ra”, nữ giáo viên bức xúc.
Chị Linh đặt câu hỏi một trường gắn mác quốc tế với học phí hàng trăm triệu mỗi năm nhưng sự liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh rốt cuộc như thế nào khi chỉ thông qua một ứng dụng? (Theo ông Trương Tất Thành – Trưởng ban phụ huynh lớp bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe, trường Gateway quy định phụ huynh không được lấy số giáo viên chủ nhiệm mà cần sử dụng phần mềm của trường để trao đổi thông tin – PV).
Trong khi đó, đến một ngôi trường bình thường, khi học sinh vắng mặt không có lý do, giáo viên cũng phải liên lạc với phụ huynh để hỏi.
“Giá mà giáo viên chủ nhiệm thông báo cho gia đình sớm hơn, tài xế và cô phụ trách dành ra thêm vài phút kiểm tra lại xe thôi thì chuyện thương tâm này đã không xảy ra. Hàng trăm học sinh người ta còn có thể quản lý được, đằng này chỉ hơn 10 em mà vẫn không làm tròn trách nhiệm”, chị Mai Linh xót xa.
Vấn đề lớn nhất là ở con người
Cũng như chị Mai Linh, nhiều người liên tục đặt ra những chữ “nếu”: Nếu giáo viên phụ trách điểm danh, nếu bác tài kiểm tra xe trước khi rời đi, nếu cô chủ nhiệm đặt câu hỏi về sự vắng mặt của học trò… có lẽ bé Long không phải chịu cái chết thương tâm như vậy.
Trong buổi sáng thứ 2 đến lớp, dường như toàn bộ hệ thống nhân sự của trường Gateway đã quên mất sự vắng mặt của cậu bé 6 tuổi. Suốt 9 tiếng dài đằng đẵng không thấy Long nhưng không một ai đi tìm.
Anh Quốc Đạt (tài xế ở Hà Giang) cho rằng người lớn cần cảm thấy có lỗi khi không bảo vệ được trẻ em. Trong cái chết của cậu bé 6 tuổi, từ người phụ trách, tài xế đến giáo viên không phải bất cẩn, mà là tắc trách, thờ ơ và vô trách nhiệm.
Là tài xế, anh Đạt luôn tự nhủ mình chỉ có một mạng sống nhưng đằng sau tay lái là biết bao sinh mạng. Hơn 7 năm ngồi sau vô lăng, mỗi khi hoàn thành một hành trình hay dừng lại nghỉ ngơi, người tài xế này luôn nán lại cuối cùng để xem mọi người xuống hết chưa hay có ai bỏ quên gì không mới yên tâm đóng cửa.
“Nếu đã chọn nghề lái xe, thì phải học tính cẩn thận”, anh Đạt nói.
“Lỗi lớn nhất là cô giáo chủ nhiệm không kiểm tra sĩ số để biết học sinh vắng mặt và liên hệ kịp thời với gia đình. Thứ hai là tài xế trước khi xuống không kiểm tra lại xe còn ai không, nhất là các cháu nhỏ mới lớp 1 còn tuổi ăn tuổi ngủ, chưa ý thức hết được. Chúng ta mất một cháu bé vì sự tắc trách của người lớn”, tài khoản Thiện viết.
Đồng quan điểm, Syben cho rằng nhân viên đã cẩu thả, không làm việc đến nơi đến chốn.
“Tài xế rước bao nhiêu học sinh thì đảm bảo giao lại cho giáo viên bấy nhiêu em. Các cháu quá nhỏ cần sự quản lý này. Cô giáo cũng không kiểm tra lý do tại sao cháu vắng mặt. Thiết nghĩ nếu làm chặt chẽ thì đâu có xảy ra sự việc đau lòng”, người này bày tỏ.
Theo Tuệ Vũ, lẽ ra cô phụ trách phải là người ngồi ghế sau cùng và bước xuống xe cuối cùng. Tài xế sau khi trả học sinh cũng phải vòng quanh xe kiểm tra lần cuối.
Không riêng Gateway, rất nhiều trường ở Việt Nam và trên thế giới cũng gặp vấn đề tương tự ở vai trò cô nuôi, cô bán trú, nhân viên giám sát đi theo xe. Chung quy lại, vấn đề vẫn là con người.
Nhiều tài xế ở nước ngoài, vì cố tình bỏ qua các biện pháp đảm bảo an toàn trên xe buýt trường học, phải chịu sự trừng trị của pháp luật và bồi thường cho gia đình những đứa trẻ bị bỏ lại đến chết trên xe.
Nhưng hình phạt dù có là gì cũng không thể bù đắp nổi nỗi đau của một gia đình mất con.
Mỹ, Hàn có quy trình đón trả học sinh đầy đủ
Không ít người đặt câu hỏi sau thảm kịch rằng trường Gateway có quy trình đón trả học sinh chặt chẽ và hợp lý hay không.
Ở Mỹ, hệ thống xe buýt trường học do các học khu (school districts – nơi tập trung các trường trung học và tiểu học công cộng địa phương) quản lý và vận hành.
Quy trình đưa đón trẻ được nêu rõ về giờ giấc, cách điểm danh, bảo vệ vùng chung quanh xe khi trẻ lên xuống, các tuyến vào ra trong trường, cho đến danh sách người được đưa đón trẻ từ xe buýt.
Theo Safety Serve, quy trình đón trả học sinh đầy đủ được Bộ Giao thông vận tải Trường học thuộc Hội đồng An toàn Quốc gia nước này đề xuất gồm một số điều như sau:
Hướng dẫn học sinh lên xe buýt khi cửa được mở và tài xế ra hiệu; Đảm bảo dòng xe lưu thông trên đường được dừng lại theo cả 2 hướng trước khi cho phép học sinh lên hoặc xuống xe buýt; Đếm số lượng học sinh để nắm được có bao nhiêu cần đón hoặc trả, nơi các em đứng chờ xe buýt và điểm đến của chúng.
Nếu đếm thấy thiếu học sinh, tài xế không nên cho xe buýt di chuyển. Nếu cần, người lái xe có thể tắt máy, dừng ở nơi an toàn và kiểm tra phía cuối xe trước khi di chuyển.
Sau khi hoàn thành lộ trình, tài xế phải đi quanh xe buýt để kiểm tra các học sinh đang ngủ và đồ đạc bị bỏ quên; Kiểm tra điểm đỗ thường xuyên và báo cáo các điều kiện không an toàn cho người giám sát.
Ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng vào dịch vụ đưa đón học sinh ở Mỹ như hệ thống quét chuyển động trên xe nhằm đảm bảo không còn ai khi xe buýt đã ngừng chạy hay còi báo động phía đuôi xe yêu cầu tài xế phải đi từ đầu đến cuối xe và tắt thiết bị.
Tuy nhiên, trách nhiệm của người lái xe không vì thế mà được buông lỏng.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cũng tin rằng dù xe buýt được trang bị hệ thống báo động hiện đại, tài xế và giáo viên mới là thành phần quan trọng nhất trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo sửa đổi của Luật Giao thông và Đường bộ nước này, tài xế xe buýt chở học sinh buộc phải đi kiểm tra từ đầu đến cuối xe xem hành khách đã xuống xe hết hay chưa.
Có 3 phương pháp chính để kiểm tra liệu còn trẻ sót lại trên xe bằng công nghệ là “chuông báo”, thiết bị liên lạc không dây (gắn ở trong và ngoài xe) kết nối với điện thoại và “beacon” – hệ thống không dây đặt trong cặp của mỗi học sinh, cho phép phụ huynh theo dõi quá trình di chuyển của con bằng cách gửi thông tin đến phụ huynh mỗi khi trẻ đến gần xe buýt trong bán kính 10 m.
Ngoài ra, thiết bị “kiểm tra trẻ ngủ quên” cũng nhắc nhở tài xế thực hiện đúng quy trình nếu không có thể bị phạt tiền lên tới 200.000 won hay nghiêm trọng hơn là để những sự việc thương tâm xảy ra.
Tuy nhiên, theo TS Lê Nguyên Phương – chuyên gia tâm lý giáo dục, việc có một quy trình đưa đón khoa học và toàn diện đến đâu cũng sẽ chỉ là vô nghĩa khi không có người đủ nhận thức và sự nghiêm túc để thực hiện.
“Sự xuề xòa, buông lỏng bổn phận nghề nghiệp là vô cảm”
Trở lại câu chuyện về thảm kịch diễn ra tại trường Gateway, với nhiều người, sự việc cẩu thả, vô trách nhiệm là bản chất cho nhiều sự việc đau lòng, không riêng gì cái chết của bé Lê Hoàng Long.
Chị Mai Lê – giáo viên ở Hà Giang – cho rằng nhiều người có tâm lý chủ quan, qua loa trong việc thực hiện trách nhiệm, bổn phận của mình với lý do “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” hay “tưởng người khác làm rồi”.
“Có lẽ người giám sát nghĩ học sinh tự biết đến nơi phải xuống xe vào trường, bác tài tưởng cô phụ trách đã kiểm tra kỹ số lượng người lên – xuống, còn giáo viên chủ nhiệm đoán bé vắng mặt do ốm hay có lý do nào khác. Sự chủ quan có lẽ đã khiến họ không làm tròn trách nhiệm”, chị Lê nói.
Theo nữ giáo viên, sự xuề xòa, buông lỏng bổn phận trong nghề nghiệp của mình thể hiện sự vô cảm.
“Với tôi, sự cẩu thả của người lớn còn là sự bất lương”, chị Mai Lê khẳng định.
Và cái giá lớn nhất phải trả cho điều đó có thể là một mạng sống non nớt, vô tội bị tước đi khi mới ở ngưỡng cửa cuộc đời.
(Theo Zing News)