420
category
320661

Vụ bãi Tư Chính: Nếu khởi kiện, lẽ phải thuộc về Việt Nam

15/08/2019 09:53

“Chúng ta có thể xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế theo phụ lục 7 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982”.

Trong những ngày qua, các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã có những hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu của Việt Nam ở bãi Tư Chính sau khi tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) thực hiện cuộc khảo sát địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý).

vu bai tu chinh: neu khoi kien, le phai thuoc ve viet nam hinh 1
Biên đội tàu thuộc Chi đội Kiểm ngư 2 của Việt Nam làm nhiệm vụ trực tại khu vực DK1, nơi có bãi Tư Chính.

“Các cơ quan chức năng Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động của mình. Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích thì chúng ta có thể xem xét việc khởi kiện họ ra Tòa Trọng tài Quốc tế”. Th.s Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV.

Pv: Thưa ông, theo dõi những diễn biến gần đây khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cụ thể là khu vực Bãi Tư Chính, ông có bình luận gì?

 

Th.s Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Th.s Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Th.s Hoàng Việt: Theo tôi, đó là sự tiếp nối chuỗi hành động của Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc đã cho giàn khoan Hải Dương 981 đặt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gây căng thẳng trong suốt 2 tháng. Sau đó, Việt Nam đã làm mọi cách, kêu gọi cộng đồng quốc tế vào cuộc, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đầu tháng 7 năm nay, Trung Quốc tiếp tục cho nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc không chỉ diễn ra với Việt Nam mà ngày 9/6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã húc đổ một tàu cá của Philippines, trong đó có 22 thủy thủ. Một tàu cá của Việt Nam đã cứu 22 thủy thủ đó. Các hãng thông tấn quốc tế cũng cho biết, Trung Quốc đã đe dọa cả Malaysia khiến nước này phải mang cả tàu chiến ra như một lời nhắc nhở đối với hành động của Trung Quốc.

Như vậy, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ nguội. Họ muốn dùng sức mạnh để kiểm soát khu vực Biển Đông.

Pv: Thưa ông, dư luận quốc tế từng ví, đó là hành động “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông? Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Th.s Hoàng Việt: Không chỉ giới chức Hoa Kỳ lên tiếng mà ngay chính quyền của Tổng thống Trump cũng có văn bản yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động khiêu khích và rõ ràng đó là hành động “bắt nạt” các quốc gia khác.

Mặc dù Trung Quốc là một nước lớn và từng tuyên bố mình có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã đi ngược lại những tuyên bố đó. Những hành động tương tự tiếp tục xảy ra thì nó sẽ đe dọa lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Philippines đã từng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế và Tòa đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc trong vùng nước thuộc đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra nhưng Trung Quốc vẫn muốn bất chấp tất cả và thậm chí còn coi phán quyết đó là một tờ giấy lộn. Trung Quốc muốn dùng sức mạnh thực tế của mình để thay đổi luật pháp quốc tế theo cách có lợi cho họ.

Pv: Qua theo dõi, ông thấy Trung Quốc lấy lý do gì để đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào khu vực bãi Tư Chính?

Th.s Hoàng Việt: Lập luận thứ nhất: họ cho rằng, đây là vùng biển nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đường lưỡi bò đã từng bị Tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết ngày 12/7/2016, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn muốn áp dụng nó trong thực tế.

Lý lẽ thứ hai là Trung Quốc cho rằng, khu vực bãi Tư Chính là một phần của đảo Trường Sa mà họ vẫn gọi là Nam Sa và cho rằng, mình có chủ quyền trên quần đảo đó cho nên Trung Quốc có tất cả các quyền kèm theo đối với vùng nước và đất dưới đáy biển đó. Rõ ràng, sự lý giải của Trung Quốc không theo luật quốc tế, thể hiện thái độ bất chấp.

Pv: Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động của mình. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích thì chúng ta có thể nghĩ tới khả năng đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài Quốc tế, thưa ông?  

Th.s Hoàng Việt: Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đã sử dụng các biện pháp ngoại giao để kêu gọi Trung Quốc rút tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8  khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu những biện pháp như vậy mà Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích thì chúng ta có thể xem xét việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế theo phụ lục 7 của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 giống như Philippines đã làm với Trung Quốc trước đây. Trong vụ việc này, Tòa đã ra phán quyết cho rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước thuộc đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra không có cơ sở pháp lý.

Dựa trên các quy định của Luật biển Quốc tế và Công ước Luật biển 1982 thì lập luận của Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn, tức là các quốc gia tham gia Công ước phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Công ước. Công ước này quy định rất rõ: Mỗi quốc gia sẽ có vùng biển tương ứng của mình và quyền này sẽ được ưu tiên hơn rất nhiều so với học thuyết về quyền lịch sử khác như cách nói của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc đưa ra lý do là bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của mình bởi thuộc quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa), lập luận này cũng không thể đứng vững vì thứ nhất: Trung Quốc liệu có thể chứng minh được chủ quyền của mình ở đây hay không khi khu vực bãi Tư Chính chỉ là một bãi ngầm dưới luôn chìm dưới mặt nước biển, mà theo Công ước quốc tế về Luật biển thì một cấu trúc phải nổi lên trên mặt nước biển thì mới là đối tượng để có thể đưa ra yêu sách về chủ quyền. Chính vì vậy, lập luận của Trung Quốc rất yếu trong trường hợp này.

Với tư cách là nhà nghiên cứu, không chỉ riêng tôi mà các giáo sư Hoa Kỳ về luật cũng cho rằng, dựa trên tiền lệ là vụ kiện của Philippines, lẽ phải sẽ thuộc về Việt Nam vì khu vực Bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò, khai thác dầu khí tại đây (Đó là quyền chủ quyền và quyền tài phán). Có thể coi vụ việc của Philippines như một án lệ quan trọng để giải thích vấn đề này.

Trong vụ kiện này, Tòa trọng tài quốc tế coi Công ước luật biển năm 1982 là ưu tiên hàng đầu so với tất cả những lý thuyết khác. Và như thế, nếu khởi kiện thì khả năng thắng lợi của Việt Nam rất cao.

Pv: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nguồn: Quốc Phong/VOV.VN

Đọc nhiều