128036
category
400874

Vụ án ở Đồng Tâm: Việc cảnh sát nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là cần thiết, đúng quy định

13/06/2020 08:32

Kết luận điều tra xác định, việc lực lượng thi hành nhiệm vụ nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình, làm Lê Đình Chức bị thương được xác định là cần thiết và đúng quy định pháp luật.

Vụ án ở Đồng Tâm: Việc cảnh sát nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là cần thiết, đúng quy định

Khi tử vong, trên tay phải của Lê Đình Kình vẫn cầm một quả lựu đạn

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1/2020.

Tại kết luận, phía cơ quan điều tra đề nghị viện kiểm sát cùng cấp truy tố 25 bị can về tội “Giết người”; 4 bị can về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Tất cả đều là người thôn Hoành hoặc Đồng Mít thuộc xã Đồng Tâm trong đó Lê Đình Công (SN 1964) và Lê Đình Chức (SN 1980) là con của ông Lê Đình Kình (SN 1934, đã chết); Lê Đình Uy (SN 1993) là con bị can Lê Đình Công.

Theo kết luận điều tra, năm 2019, Quân chủng Phòng không – Không quân có kế hoạch xây dựng tường bảo vệ sân bay Miếu Môn nên đề nghị Công an TP Hà Nội giữ an ninh trật tự. Biết việc này, những người trong Tổ đồng thuận đã chuẩn bị vũ khí như lựu đạn, bom xăng, dao… nhằm tấn công nhà chức trách.

Ông Lê Đình Kình cũng nhiều lần chỉ đạo: “Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”. Trong các video đăng trên mạng, Lê Đình Công tuyên bố: “Nếu không tiêu diệt được 300 đến 500 thằng thì sẽ không nhìn mặt đồng bào cả nước”.

Lê Đình Công tại cơ quan điều tra – Ảnh: Công an cung cấp

Kết luận nêu rõ, ngày 8/1, Lê Đình Công nhận tin báo về việc công an sẽ về thôn Hoành nên tập trung các bị can khác tới nhà ông Kình đồng thời tập trung vũ khí, lên phương án chống trả.

Khoảng 3h ngày 9/1, nhóm người này livestream trên Facebook thông báo công an đang tiến về Đồng Tâm rồi mang vũ khí lên tầng 2 nhà ông Kình cố thủ; đánh kẻng báo động.

Rạng sáng 9/1, khi thấy lực lượng công an vừa đi đến cổng thôn Hoành để làm nhiệm vụ, các bị can bắn pháo tấn công. Tổ công tác có phát loa kêu gọi chấm dứt ngay hành vi vi phạm và đầu thú nhưng các bị can vẫn dùng bom xăng, gạch đá ném lại.

Vì vậy, một tổ công tác gồm ông Nguyễn Huy Thịnh – Phó trung đoàn trưởng E22 Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động; Phạm Công Huy – cán bộ Đội chữa cháy; Dương Đức Hoàng Quân – cán bộ E22 đã tiến vào nhà ông Lê Đình Hợi.

Công ném lựu đạn nhưng không nổ, dùng dao chống trả. Khi 3 cảnh sát di chuyển từ mái nhà ông Hợi sang nhà Chức đã bị Chức dùng tuýt sắt gắn dao tấn công, làm họ rơi xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Chức lấy 1 can xăng đổ vào chậu, đưa cho bị can Lê Đình Doanh châm lửa.

Sau đó, Doanh đã đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố nơi 3 cảnh sát bị ngã. Chức và bị can Nguyễn Quốc Tiến nghe thấy tiếng hét và tiếng nói qua bộ đàm: “Đưa quân vào cứu người” và “Chúng nó giết 3 người của mình rồi” từ dưới hố vọng lên.

Vụ án ở Đồng Tâm: Việc cảnh sát nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình là cần thiết, đúng quy định - Ảnh 1.
Ông Lê Đình Kình khi còn sống.

Cũng theo điều tra, mỗi lần thấy lửa cháy nhỏ lại, bị can Chức lại đổ thêm xăng vào hố, chỉ dừng lại khi bị bắn ngã. Tuy nhiên, cả 3 cảnh sát đã tử vong.

Trong lúc này, một tổ công tác khác tiến vào nhà ông Lê Đình Kình nhưng cũng bị ông chống trả bằng dao làm thương tích cho 1 cảnh sát. Ông Kình cũng cầm lựu đạn đe dọa nếu có người vào sẽ ném.

Sau đó, khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), tổ công tác phát hiện ông Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải, đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía tổ công tác, nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 – 2,5 m và nổ súng 2 lần, khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng.

Khi lực lượng công an tiến hành áp sát thì thấy ông Kình đã tử vong, trên tay phải vẫn cầm một lựu đạn.

Kết luận pháp y của Viện Pháp y quốc gia xác định nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình là “mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ, hậu quả của 2 vết thương”.

Số hung khí dùng để chống đối lực lượng chức năng bị thu giữ – Ảnh: Công an cung cấp

Do Lê Đình Kình đã chết nên cơ quan điều ra không đề cập xử lý

Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Lê Đình Kình là người chủ mưu, cầm đầu và thường tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất và kích động, lôi kéo người khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyền.

Dù được Thanh tra TP Hà Nội thông báo kết luận nguồn gốc đất nhưng ông Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn chia quyền lợi cho người khác nếu tham gia cùng mình.

Khoảng đầu tháng 12/2019, Lê Đình Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua khoảng 10 dao phóng lợn và Doanh đi làm khoảng hơn 10 tuýp sắt gắn dao phóng lợn.

Công an thu giữ nhiều lựu đạn khi bắt giữ nhóm người chống đối tại Đồng Tâm – Ảnh: Công an cung cấp

Ngoài ra, tại các cuộc họp ngày 6 – 7 – 8/1/2020, Lê Đình Kình chỉ đạo “chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”, “Nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ cho trắng lưng, ngửa bụng”.

Bên cạnh đó, rạng sáng ngày 9/1, ông Kình cũng sử dụng tuýp sắt gắn dao nhọn, lựu đạn tấn công công an. Hành vi này đã cấu thành tội Giết người nhưng ông Kình đã chết nên cơ quan điều ra không đề cập xử lý.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ, đối với việc lực lượng thi hành nhiệm vụ nổ súng tiêu diệt ông Lê Đình Kình, làm Lê Đình Chức bị thương thì căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 về các trường hợp được phép nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ, xác định là cần thiết và đúng quy định pháp luật.

Trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT cũng cho biết, đã tách tài liệu để làm rõ các hành vi sử dụng vũ khí quân dụng, tiết lộ bí mật Nhà nước trong vụ việc khác.

Cơ quan điều tra cũng nêu rõ, quá trình điều tra, bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) và một số người khác đề nghị khởi tố vụ án giết người đối với sự việc ông Kình tử vong ngày 9/1. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan điều tra xác định, nội dung các đơn này không đúng sự thật.

Kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội cũng dẫn biên bản kết luận giám định pháp y xác định, ba cảnh sát tử vong trong vụ án này là do “ngạt khí và cháy than hóa toàn thân”

(Theo TQ)

Đọc nhiều