8
category
455863

Vụ 100% phiếu đồng ý… không xử lý cán bộ: Làm chặt chẽ, đúng quy định (!?)

10/12/2020 07:57

Liên quan đến sự việc 100% phiếu kiến nghị không xử lý cán bộ kiểm lâm để mất rừng, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho rằng, việc lấy phiếu đã được làm chặt chẽ, đúng quy định…

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước cuộc bỏ phiếu xử lý trách nhiệm cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Theo đó, 100% phiếu kiến nghị… không xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Bang, kiểm lâm địa bàn này.

Vụ 100% phiếu đồng ý… không xử lý cán bộ: Làm chặt chẽ, đúng quy định (!?) - 1
Nhiều cây gỗ lớn ở khu vực rừng của xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị cưa hạ.

Đáng nói, ông Bang là kiểm lâm đang làm hợp đồng, trong khi những người chịu trách nhiệm cao nhất lẽ ra phải là lãnh đạo địa phương và cán bộ của hạt kiểm lâm thì không được đề cập đến. Hơn nữa, tại cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm vụ phá rừng trên, tập thể Hạt Kiểm lâm Tây Sơn bỏ phiếu kín đều thống nhất không xử lý kỷ luật đối với ông Bang.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 9/12, trao đổi với PV, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn xử lý kiểm điểm trách nhiệm kiểm lâm địa bàn để xảy ra phá rừng.

“Tuy nhiên, khi đề xuất hình thức xử lý đối với kiểm lâm địa bàn, tập thể Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn bỏ phiếu kín kiến nghị hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Bang. Kết quả, 20/20 phiếu kiến nghị không xử lý kỷ luật”, ông Phúc thông tin.

Vụ 100% phiếu đồng ý… không xử lý cán bộ: Làm chặt chẽ, đúng quy định (!?) - 2
Những khoảnh rừng bị chặt đốt để chuẩn bị trồng cây keo.

Phóng viên đặt vấn đề có hay không việc “thí tốt” khi đưa một kiểm lâm hợp đồng ra xử lý, còn cán bộ Hạt Kiểm lâm Tây Sơn thì không bị “động” đến?

Về việc này, ông Phúc nói: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, yêu cầu xử lý trách nhiệm kiểm lâm địa bàn để xảy ra phá rừng. Ông Bang dù là nhân viên hợp đồng nhưng được giao phụ trách quản lý địa bàn xã Tây Thuận nên là người chịu trách nhiệm chính.

Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế, khu vực rừng bị phá thuộc quy hoạch chức năng rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo. Diện tích bị phá hơn 1.100 m2. Trong đó, một phần do UBND xã Tây Thuận quản lý, một phần giao cho các hộ dân theo dự án KfW6 để khoanh nuôi tái sinh.

Xét về mức độ thiệt hại chưa phải thiệt hại lớn, chủ yếu họ chặt một số cây nhỏ đốt làm than. Vì vậy, khi họp xử lý, tập thể Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn mới bỏ phiếu kín thống nhất không xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận: Thực tế khi rừng bị phá thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tiên và hạt kiểm lâm cũng phải chịu trách nhiệm trong đó.

“Quan điểm của lãnh đạo Sở là xử lý nghiêm, vi phạm mức độ nào thì xử lý mức độ đó, không có chuyện nương tay một ai”, ông Phúc khẳng định.

Ông Phúc cho biết thêm: “Trong đánh giá cuối năm, trên cơ sở vụ việc này chúng tôi sẽ xem xét kiểm điểm đối với Chi cục Kiểm lâm cũng như Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn; kể cả cá nhân ông Bang, tùy từng mức độ mà có hình thức xử lý kỷ luật, kiểm điểm. Riêng cá nhân ông Bang là nhân viên hợp đồng thì có 3 hình thức kỷ luật, nặng nhất là sa thải nhưng cần phải xem xét.

Trước đó, liên lạc qua điện thoại ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, nói: “Kết quả xử lý vụ việc Chi cục đã báo cáo lãnh đạo Sở NN&PTNT rồi, thông cảm tôi không có phát biểu gì thêm. Chúng tôi làm chặt chẽ, đúng quy định”.

Vụ 100% phiếu đồng ý… không xử lý cán bộ: Làm chặt chẽ, đúng quy định (!?) - 3
Kết quả bỏ phiếu “bất thường” về việc xử lý cán bộ để mất rừng khiến dư luận xôn xao.

Như đã thông tin, đầu tháng 8/2020, tại khu vực rừng có tục danh Đồng Hào (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) phát hiện bị chặt phá. Rừng bị tàn phá là rừng tự nhiên, hệ rừng nghèo cần được tái sinh, trong đó có diện tích rừng thuộc dự án KFW6 được giao cho người dân để khoanh nuôi tái sinh rừng trở lại.

Theo ghi nhận tại hiện trường, có rất nhiều cây rừng lớn đường kính đến 50-70 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị “cạo trọc”, đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn. Điều đáng nói, vụ việc phá rừng diễn ra nhiều tháng nhưng chính quyền địa phương “không hay biết”.

Doãn Công/DT

Đọc nhiều