Với lối suy nghĩ “ngược đời thường”,cô giáo Mường 9x đã ghi dấu toàn cầu
Cô giáo người Mường lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu vì có thành tích “khủng” và lối suy nghĩ “ngược đời thường”.
Tham gia Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020, một đại biểu dân tộc thiểu số ở lứa tuổi 9x đã ghi dấu ấn xuất sắc trong hệ thống giáo dục toàn cầu khi lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu năm 2020, do tổ chức Tổ chức Varkey Foundation bình chọn.
Coi thách thức của mọi người là cơ hội của mình
Cô giáo Hà Ánh Phượng, người con ưu tú của dân tộc Mường đến từ đất tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ tâm sự, sau khi tốt nghiệp Đại học Hà Nội với tấm bằng loại ưu năm 2006, Phượng đã chọn Trường THPT Hương Cần, ở vùng miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ, để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng của mình.
Nhiều bạn thân cùng học 7 năm dưới mái trường dân tộc nội trú đã thắc mắc: “Cậu có vấn đề gì à? Tại sao cậu lại trở về quê trong khi người ta đang muốn thoát ly ruộng đồng, vươn ra thành phố thì cậu lại về quê. Chắc chắn cậu sẽ bị tụt hậu đó”. Còn có người quen ở Hà Nội thì lại khuyên “Ở trên vùng núi, người dân tộc còn nói chưa sõi tiếng Kinh, cháu về đó dạy tiếng Anh cho ai?”…
Đứng trước những lời can ngăn, cô giáo Hà Ánh Phượng vẫn vững niềm tin vào sự lựa chọn trở về quê hương của mình.
“Người ta thường nói dạy tiếng Anh cho học sinh người dân tộc thiểu số là một bất lợi. Nhưng tôi thì nghĩ hoàn toàn khác. Tôi luôn có niềm tin vào các em học sinh của mình. Bởi vì tôi tin rằng bất cứ các em học sinh dân tộc thiểu số nào khi được sinh ra bản thân các em học sinh đó đã là những đứa trẻ đa ngôn ngữ và việc học thêm một ngôn ngữ nữa là một lợi thế chứ không phải là bất lợi”, cô Phượng chia sẻ.
Với cô Phượng, việc được trở về quê không phải là một thách thức mà là một cơ hội – cơ hội được thực hiện ước mơ của mình.
Thời kỳ đầu mới về trường dạy, cô Phượng cũng day dứt tại sao trẻ em người dân tộc tại Sa Pa lại có thể nói tiếng Anh hồn nhiên lưu loát đến thế, trong khi những em học sinh của mình cũng là những người dân tộc và những đứa trẻ đa ngôn ngữ lại không thể nói được.
Có niềm tin và cố gắng, đất cằn cũng sẽ nở hoa
Rồi cô nhận ra rằng sự khác biệt ở đây nằm ở hai chữ môi trường và quan điểm dạy học. Đó chính là Anh ngữ là sinh ngữ, tức là tiếng Anh cần phải có một môi trường để nó có thể tồn tại và nếu như không có môi trường thì tự khắc sẽ bị mai một đi và đây cũng chính là cơ duyên dẫn cô đến mô hình học xuyên biên giới.
“Mô hình lớp học xuyên biên giới nhằm kết nối lớp học của tôi và lớp học của các nước trên thế giới. Qua các giờ học tiếng Anh ở đó các em học sinh không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo nước ngoài để mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu để rồi cô trò chúng tôi đã du lịch không visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới”, cô Phượng nói.
Sau một thời gian thực hiện mô hình này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực những em học sinh của cô Phượng đã mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Điểm kỹ năng nghe nói có chuyển biến tích cực, đặc biệt các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.
Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt đối với cô Hà Ánh Phượng khi lần đầu tiên tên cô xuất hiện 2 lần trong danh sách đại diện duy nhất của Việt Nam trong hai sự kiện quốc tế. Đó là giáo viên Việt Nam duy nhất được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á cùng 5 em học sinh có thành tích xuất sắc trên cả nước, đồng thời cũng là giáo viên duy nhất của Việt Nam lọt vào Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation đối tác của Unesco có trụ sở tại London bầu chọn.
Vinh dự là vậy, nhưng cô Phượng chỉ khiêm tốn cho rằng tôi có được thành tích này là nhờ Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, ban, ngành máy, trường dân tộc nội trú đã có những chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện được học tập, phát triển trong điều kiện tốt nhất, để cô Phượng có được ngày hôm nay – một cô giáo dân tộc Mường và câu chuyện lan tỏa mà nhiều người biết tới đó là câu chuyện “Từ vườn chuối, tôi nhìn ra thế giới”.
Với cô Phượng, dù ở bất cứ nơi nào, dù mảnh đất khô cằn hay là màu mỡ. Nếu như chúng ta có niềm tin và sự cố gắng thì chắc chắn sẽ có sự nở hoa./.