439
category
328398

Với di sản, danh nhân, đối xử sao cho phải đạo ?

11/10/2019 20:15

Những ngày đầu tháng 10, mạng xã hội nổi lên hai cơn bão dư luận: Một cơn bão bức xúc về công trình xây dựng mới trên đỉnh Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang có tên là Mã Pì Lèng Panorama. Cơn còn lại là sự vui suớng đến phát cuồng khi nữ sĩ Xuân Quỳnh xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của Google. Hai cơn bão với hai trạng thái chẳng giống nhau nhưng lại quấn chúng ta nhìn về một câu hỏi: Chúng ta đã và đang ứng xử như thế nào với di sản, với danh nhân?.

Cơn bão mang tên niềm vui

Hình ảnh ấn tượng của thi sĩ Xuân Quỳnh trên Google Doodle mà Liên và Quang thiết kế
Hình ảnh ấn tượng của thi sĩ Xuân Quỳnh trên Google Doodle mà Liên và Quang thiết kế

Google ngày 6/10 đã thay đổi hình ảnh biểu tượng (doodle) trên trang chủ với hình ảnh nữ thi sỹ Xuân Quỳnh. Như vậy, sau cố nhạc sỹ Trình Công Sơn, cố họa sỹ Bùi Xuân Phái, tiếp tục đến cố thi sỹ Xuân Quỳnh được Google vinh danh nhân dịp 77 năm ngày sinh của nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Tên cũng như thông tin về bà bỗng trở thành từ khóa “hót” và phủ đầy mạng xã hội. Cộng động mạng xôn xao, vui suớng, không ít người chụp lại những trang thơ của Xuân Quỳnh hay trích đăng những vần thơ để bày tỏ tình cảm với cố thi sĩ: “Tuyệt vời! Tự hào phụ nữ Việt Nam”; “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau?”. Vẫn là kinh điển nhất”; “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”…

Và cơn bão không mong muốn

Công trình 7 tầng Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng
Công trình 7 tầng Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng

Sau cơn bão mang tên niềm vui, cộng đồng mạng lại đón nhận một cơn bão không mong muốn, cơn bão có tên bức xúc, khi mà những ngày qua, trên mạng xã hội nổi lên cơn bão dư luận thực sự về công trình xây dựng mới trên đỉnh Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang có tên là Mã Pì Lèng Panorama. Phần lớn các ý kiến đều phản đối, cho rằng cái tổ hợp nhà hàng kiêm khách sạn và chỗ dừng chân ngắm cảnh này như cái gai, cục bê tông… kệch cỡm phá hỏng di sản được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Thậm chí nhà báo Trần Đăng Tuấn trên tài khoản Facebook của mình còn kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay nhà hàng này.

Chuyện Mã Pì Lèng chỉ là một số trong vô vàn câu chuyện về ứng xử với di sản hiện nay. Cứ cho rằng toà nhà Panorama không nằm trong vùng lõi Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, nhưng không thể nói không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường của Di tích danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng. Bởi nhìn một toà nhà 7 tầng bằng bê tông đứng chình ình, xấu xí, lối kiến trúc thì thô kệch, không mang tính dân tộc, cũng chẳng phải kiến trúc có thể hoà vào với thiên nhiên. Và cho đến nay, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, đây vẫn là công trình “4 không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Từ tiếng kêu cứu của các di sản, một câu hỏi được đặt ra: Vì sao chính quyền địa phương lại thờ ơ, chính xác hơn là quá chậm trễ trước tình huống cấp bách như vậy? Nguy cơ mất mát những di sản quý giá của cộng đồng là điều đáng báo động, trong khi cán bộ quản lý di sản ở địa phương lại vô cảm trước sự sống – còn của di sản? Toà nhà Panorama to như vậy, có phải cây kim đâu mà các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành từ huyện Mèo Vạc đến tỉnh Hà Giang lại không biết? Hoặc biết mà không ngăn chặn, lại cứ để nó ngang nhiên diễn ra? Nhìn rộng ra thì có thể thấy, từ Tràng An – Ninh Bình, tới Hạ Long và giờ Hà Giang… nhiều di tích đã bị xâm hại, biến dạng. Thật đau lòng khi nhìn thấy các di sản bị xâm hại bởi những nhà bê tông, đường bê tông… Càng đau lòng hơn khi sự xâm hại, biến dạng đó không đến từ nguyên nhân bảo tồn, gìn giữ di sản…

Không chỉ di sản, với các danh nhân lối ứng xử của ta cũng chẳng lấy gì làm… văn minh cho lắm. Không biết do chúng ta tự ti về bản dạng văn hóa của mình, phải chờ tới sự xác tín từ một doanh nghiệp quốc tế, mới ào ào chạy theo để tụng ca, để nhớ về? Hay vốn dĩ lâu nay ta không nhìn những danh nhân ấy như một thành tố của nền văn hóa này, nên ta bỏ quên, ta lạnh nhạt?

Truờng hợp của thi sĩ Xuân Quỳnh là một điển hình. Ngày 6/10, nữ sĩ Xuân Quỳnh được gọi tên. Họ nhắc về thơ, về đời, về người chồng tài hoa của bà. Nhưng tôi lại nhớ căn nhà vỏn vẹn 6m2 ở Phố Huế (Hà Nội) của họ – căn nhà đã bị cắt điện, cắt nước, tối om, mối mọt đang ăn dần sách vở. Nơi đó, di sản nghệ thuật của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đang dần trở thành phế tích mỗi ngày.

Vài năm trước, một chương trình truyền hình đã phỏng vấn nhiều học sinh về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thật bất ngờ, câu trả lời của nhiều em khiến người nghe phải sửng sốt: Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em, Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai cha con. Đó là một sự thật cay đắng.

Vậy có phải do chúng ta tự ti về bản dạng văn hóa của mình, phải chờ tới sự xác tín từ một doanh nghiệp quốc tế, mới ào ào chạy theo để tụng ca, để nhớ về? Hay vốn dĩ lâu nay ta không nhìn những danh nhân ấy như một thành tố của nền văn hóa này, nên ta bỏ quên, ta lạnh nhạt?.

Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh và có thể sẽ có thêm nhiều nhân vật khác sẽ được Google vinh danh. Và như một trình tự lặp đi lặp lại, biểu thị cho tâm lý đám đông ấy, người ta cũng ca tụng Xuân Quỳnh như đã từng ca tụng về Trịnh Công Sơn hay Bùi Xuân Phái.

Có thể nói chúng ta đã lấn chiếm và xoá dần những di sản văn hóa hữu thể để đưa chúng vào trong ký ức thành văn hóa phi vật thể, mà ký ức thì ngày càng bị bào mòn trong các lớp người kế tiếp. Có một sự thật đáng buồn là lớp trẻ bây giờ ngày càng ít hiểu biết về lịch sử. Phải chăng, cách thức giáo dục chưa thật phù hợp? Phải chăng, đến lúc những trang web có thể thay thế được lời ru và câu chuyện kể, những câu lạc bộ có thể thay thế cho những hội hè đình đám… Nên nhớ rằng, hình ảnh các danh nhân không chỉ tồn tại bằng những cống hiến, những công trình, mà hình ảnh danh nhân đồng hành cùng với cuộc sống là những thân phận con người. Khi hình ảnh các danh nhân không tồn tại như những thân phận con người thì những tượng đài bằng cẩm thạch, đồng đen cũng là vô nghĩa.

Di sản, danh nhân là văn hóa, là hồn cốt chung của dân tộc và nhân loại. Trách nhiệm giữ gìn di sản và tuởng nhớ thuộc về tất cả chúng ta. Để di sản đuợc bảo tồn, phát huy, để hình ảnh các danh nhân không bị nhạt phai và đi vào quá vãng thì rất cần có văn hóa ứng xử phù hợp, biểu thị lòng thành kính, sự tôn vinh và tôn trọng với di sản, với danh nhân.

Diệu Hương

Đọc nhiều