Vỏ quýt dày có móng tay nhọn – Bí kíp có “một không hai” của lính xe tăng Việt Nam

28/04/2020 15:50

Lái xe tăng có vị trí ngồi rất thấp, khi bị đèn pha xe ngược chiều chiếu, các lái xe hầu như không nhìn thấy gì nữa. Nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn - Bí kíp có "một không hai" của lính xe tăng Việt Nam

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế – Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.

——–

Sự kiện “có một không hai” trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật

——–

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn – Bí kíp có một không hai của lính xe tăng Việt Nam

Cuộc hành quân “Thần tốc” về phương Nam để tham gia chiến dịch cuối cùng – chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định với chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét rất hào hùng song cũng hết sức gian nan, vất vả, nhất là với các chiến sĩ lái xe tăng.

Và trên chặng đường hành quân dằng dặc ấy, có những cách thức xử lý không sách nào dạy song đã được các lái xe tự tìm ra và đem áp dụng để đảm bảo tốc độ hành quân.

Xử lý quá nhiệt động cơ ư, quá là đơn giản!

Động cơ sử dụng cho xe tăng thường là động cơ đốt trong, chạy bằng nhiên liệu diesel với công suất khoảng hơn 500 mã lực. Để động cơ làm việc bình thường, có hai hệ thống rất quan trọng là Hệ làm mát và Hệ làm nhờn.

Hệ làm mát có nhiệm vụ giữ cho nhiệt độ của động cơ không cao quá, tránh cho việc cháy, dính động cơ. Chất liệu sử dụng là nước và không khí. Nhiệt độ chuẩn của nước làm mát là từ 70- 90 độ C, không quá 105 độ C.

Nhiệt độ nước làm mát thường bị tăng do: thiếu nước, két mát nước bị bẩn hoặc do động cơ làm việc quá tải thời gian dài, điều thường xảy ra khi xe phải vượt qua những con dốc cao và dài.

Còn Hệ làm nhờn có tác dụng làm nhờn, bôi trơn các bề mặt chuyển động của động cơ bằng các loại dầu nhớt. Để thực hiện được chức năng này, dầu nhớt cũng không được có nhiệt độ quá cao.

Cũng như nước, nhiệt độ dầu nhờn chuẩn là từ 70-90 độ C và không quá 110 độ C. Nguyên nhân nhiệt độ dầu tăng cao cơ bản như đối với nước làm mát.

Do tầm quan trọng như vậy, cả hai chỉ số nhiệt độ nước và dầu nhờn đều được thể hiện trên bảng đồng hồ ngay trước mặt lái xe. Người lái xe phải thường xuyên theo dõi hai đồng hồ này và khi thấy quá nhiệt độ quy định thì phải có biện pháp xử trí ngay.

Trường hợp nhiệt độ nước làm mát lên cao, lái xe phải dừng xe, về số 0 sau đó tăng chân dầu cho máy nổ làm việc ở vòng quay cao vài phút. Mục đích của việc này là giảm tải động cơ, tăng tuần hoàn của nước trong hệ làm mát và tốc độ quay của quạt gió để hạ nhiệt độ.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn - Bí kíp có một không hai của lính xe tăng Việt Nam - Ảnh 2.
Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu

Còn khi nhiệt độ dầu lên cao, cách xử trí là dừng xe, về số 0 để giảm tải cho động cơ, giảm chân dầu cho động cơ làm việc ở vòng quay thấp vài phút. Mục đích của việc này là giảm ma sát giữa các bề mặt chuyển động của động cơ.

Trong trường hợp cả hai chỉ số đều tăng quá tiêu chuẩn thì người ta ưu tiên xử trí hạ nhiệt độ cho nước làm mát trước và hạ nhiệt độ dầu sau. Có điều chú ý là tuyệt đối không được tắt động cơ ngay khi thấy nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, đang trên đường hành quân gấp gáp mà phải dừng lại xử trí như vậy thì quá mất thời gian. Và từ thực tế hành quân khi vượt các đèo Cả, Cù Mông, các lái xe già đời của Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203 đã tìm ra một cách xử trí mới rất đơn giản mà hoàn toàn không ảnh hưởng tới tốc độ hành quân.

Đây là hai trong số rất nhiều con đèo trên con đường thiên lý Bắc- Nam có độ dốc khá cao và độ dài cũng tương đối, phải đến vài ki- lô- mét. Thường khi leo lên đến đỉnh đèo dưới cái nắng oi nồng của tháng Tư phương Nam là cả nhiệt độ nước và nhiệt độ dầu đều vượt quá ngưỡng an toàn. Và theo đúng quy tắc thì lúc này phải dừng xe xử trí.

Tuy nhiên, đã có một vài lái xe phát hiện ra rằng: nếu cứ để xe ở số 2 hoặc số 3 rồi cho xe trôi dốc theo quán tính, trong khi đó không tra nhiên liệu thì nhiệt độ nước và dầu nhờn sẽ nhanh chóng hạ xuống như có phép thần tiên. Tất nhiên là phải ở những nơi có chất lượng mặt đường tương đối tốt.

Thực ra thì hiện tượng đó là hoàn toàn đúng nguyên lý: do lực kéo xuống dốc, xe vẫn chạy và kéo theo cả động cơ làm việc.

Do đó máy bơm dầu, máy bơm nước và quạt gió vẫn hoạt động. Trong khi đó, do không tra dầu nên không có phản ứng cháy ở trong xi- lanh nữa. Chính vì thế nhiệt độ động cơ mới nhanh chóng hạ xuống.

Kinh nghiệm này sau đó được phổ biến và được nhiều lái xe trong đơn vị áp dụng. Tuy nhiên, khi vận dụng kinh nghiệm này cũng có phần nguy hiểm vì rất dễ bị phản chuyển hướng, nếu đường thẳng thì không sao chứ khúc khuỷu sẽ rất dễ bị lao xuống vực.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn - Bí kíp có một không hai của lính xe tăng Việt Nam - Ảnh 4.
Bộ đội xe tăng thần tốc hành quân, đánh chiếm và vượt qua nhiều ổ đề kháng của địch.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Chặng đường hành quân thì dài, thời gian thì ngắn, xe máy đã cũ lại nặng nề nên tốc độ hành quân rất thấp nên các đơn vị của Lữ đoàn xe tăng 203 phải hành quân cả ngày lẫn đêm. Miễn sao có mặt tại vị trí tập kết chiến dịch trước thời gian quy định.

Hành quân đêm có cái lợi là trời mát, nhiệt độ mặt đường cũng hạ thấp nên lực cản lăn giảm đỡ quá tải, quá nhiệt cho động cơ nên hầu như đêm nào các đơn vị cũng tranh thủ chạy đến quá nửa đêm mới dừng nghỉ lấy sức cho ngày hôm sau chạy tiếp.

Tuy nhiên, hành quân đêm có một cái khổ là phải đối diện với ánh sáng đèn pha của các phương tiện ngược chiều. Lái xe tăng có vị trí ngồi rất thấp, từ mặt đường lên chỉ khoảng hơn 1 mét. Các đèn chiếu sáng của xe có công suất cũng rất nhỏ, chỉ đủ chiếu sáng chừng chục mét trước mũi xe.

Trong khi đó, đèn pha của các xe ô-tô đi ngược chiều thì muôn hình vạn trạng và có một đặc điểm chung là sáng gấp nhiều lần đèn pha của xe tăng. Đã thế lại chiếu trực diện ngang tầm mắt người lái nên hết sức khó chịu.

Vậy là, mỗi khi bị đèn pha xe ngược chiều chiếu vào mắt các lái xe hầu như không nhìn thấy gì nữa. Những lần đầu, gặp tình huống này các lái xe tăng thường phải dừng lại, tắt đèn nhường cho “đối phương” chạy qua rồi mới tiếp tục hành quân.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn - Bí kíp có một không hai của lính xe tăng Việt Nam - Ảnh 6.
Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu

Tuy nhiên, sự “nhường nhịn” đó ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ hành quân trung bình, nhất là khi phía đối diện là đoàn xe vài chục chiếc thì thời gian chờ đợi kéo dài hàng chục phút, gây khó chịu cho các lái xe.

Và một giải pháp đã được các lái xe tìm ra rồi rỉ tai nhau: không dừng lại nữa mà cứ nhằm thẳng đèn pha đó mà lao tới. Kết quả là, khi phát hiện ra trước mắt mình là một khối thép vài chục tấn đang lừng lững lao tới, tất cả các “đối phương” đều tắt đèn, thậm chí có lái xe còn hoảng hốt giật số lùi dạt hẳn vào vệ đường.

Tuy vậy, giải pháp này cũng chứa đựng sự nguy hiểm nhất định. Ấy là khi không làm chủ được tay lái có thể dẫn đến sự đâm húc giữa các phương tiện.

Ngoài ra, khi đi trong làn ánh sáng ngược đó cũng không dám đi nhanh và dẫn đến vẫn ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.

Trong điều kiện đó, một sáng kiến nữa được phát minh. Đó là những xe có đèn pha hồng ngoại của trưởng xe, pháo thủ đồng loạt tháo kính lọc ánh sáng để chiếu sáng đường. Với công suất và pha đèn lớn, đèn pha OU-3 có thể chiếu sáng đến hơn 300 mét, còn đèn L2 có thể chiếu đến 700 mét.

Dưới ánh sáng các đèn pha này, không một lái xe ô tô ngược chiều nào chịu được. Và tất cả đều “chịu phép”, tắt máy, tắt đèn, nép vào một bên nhường cho những con voi thép độc hành trên đường.

Kể ra, những “mánh khóe” này cũng không được chính tắc cho lắm song ít nhất nó cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ hành quân của các đơn vị xe tăng trong cuộc hành quân “Thần tốc” năm 1975.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Đọc nhiều