‘Vỡ’ quy hoạch điện mặt trời

02/07/2019 07:59

Điện mặt trời bùng nổ, vượt gấp hàng chục lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã dẫn tới một loạt hệ lụy như ép giảm tải điện gió, dự án xếp hàng chờ bổ sung trong khi lưới điện quá tải…

 /// ẢNH: CHÍ NHÂN

Điện gió bị ép giảm công suất

Ngày 26.6, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) gửi công văn đến Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực VN (EVN) phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA, cho biết: Trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời (ĐMT) mới hòa lưới. Tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38% đến 64% và ngày nào cũng bị cắt. Việc đánh đồng giảm tải giữa các nhà máy điện gió với ĐMT như vậy theo ông Thịnh là “không phù hợp” vì trước đây khi các doanh nghiệp (DN) này ký với EVN hợp đồng mua bán điện, không có điều khoản nào nói đến việc yêu cầu phải cắt giảm công suất. “Bây giờ ĐMT phát triển quá nóng, trong khi không đầu tư vào đường dây truyền tải khiến hệ thống quá tải, lại bắt chúng tôi giảm tải như thế là thiếu công bằng. Chúng tôi đề nghị EVN không tiếp tục cắt giảm các nhà máy điện gió”, ông Thịnh kiến nghị.

Bây giờ điện mặt trời phát triển quá nóng, trong khi không đầu tư vào đường dây truyền tải khiến hệ thống quá tải, lại bắt chúng tôi giảm tải như thế là thiếu công bằng

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận

Theo công văn trên: “Việc quy hoạch ĐMT trong Tổng sơ đồ VII chỉ có 850 MW (đến năm 2020) nhưng hiện nay đã lên đến hơn 7.000 MW, lưới điện dĩ nhiên bị quá tải và việc này là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải lỗi của nhà đầu tư. Việc thiếu đồng bộ này gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, gây lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo”.

'Vỡ' quy hoạch điện mặt trời  - ảnh 1
Năng lượng tái tạo mới phát triển đã vướng hạ tầng lưới điện không theo kịp

Một cán bộ Sở Công thương Bình Thuận cho rằng, các kiến nghị của BTWEA là hợp lý nhưng việc cắt giảm công suất của các nhà máy (cả điện gió và ĐMT) của Trung tâm điều độ quốc gia là bắt buộc, không còn cách nào khác. “Trong khi chờ ngành điện nâng cấp, đầu tư mới đường dây, các nhà đầu tư phải thông cảm với ngành điện vì sự phát triển chung. Việc cắt giảm sẽ chấm dứt khi các đường dây được nâng cấp”, vị này phân trần. Cũng theo Sở Công thương Bình Thuận, cho đến thời điểm 30.6, đã có 20/26 nhà máy ĐMT đóng điện vào hệ thống lưới điện quốc gia với tổng công suất 763,5 MW. Trong khi đó, toàn tỉnh Bình Thuận hiện nay có 19 dự án điện gió nhưng mới chỉ có 3 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động là nhà máy điện gió Bình Thạnh, điện gió Phú Lạc và một dự án trên đảo Phú Quý.

Theo ông Thịnh, đến nay đã có gần 100 dự án ĐMT với công suất hơn 4.000 MW, cao gấp 10 lần điện gió và vượt xa quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và triển khai, gây ra sự quá tải nghiêm trọng cho hệ thống lưới điện trong khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận. Điển hình là đường dây 110 kV Phan Rí – Ninh Phước. Đường dây này chỉ có công suất 100 MW nhưng vừa qua có tới 10 dự án ĐMT đấu nối, khiến phải chịu tải lên đến 400 MW.

Ngày 1.7, chúng tôi đã liên lạc với EVN về vấn đề trên, tuy nhiên đại diện đơn vị này cho biết sẽ có phản hồi “trong thời gian sớm nhất”.

Bùng nổ dự án, kỷ lục hòa lưới điện

Thực ra việc quá tải đã được nói đến rất nhiều từ cuối năm 2018. Theo EVN, chỉ trong vòng chưa đến một năm sau khi Thông tư số 16 ngày 12.9.2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT có hiệu lực, EVN đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư với tổng công suất gần 3.000 MW, vượt mục tiêu của Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh (850 MW trước 2020). Tại thời điểm đó, số lượng dự án ĐMT được cấp phép đã vượt gấp 9 lần so với Quy hoạch điện VII (bổ sung) và nhiều hệ thống truyền tải đã quá tải, đầy tải nhưng Bộ Công thương vẫn xin bổ sung thêm 17 dự án.

Đặc biệt, nếu cuối tháng 4, toàn hệ thống chỉ có 4 nhà máy ĐMT nối lưới với tổng công suất chưa tới 150 MW, đến ngày 30.6 Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã đóng điện 82 nhà máy ĐMT với công suất là 4.464 MW. Đây là kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực VN về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ 3 tháng).

Tại lễ hòa lưới Nhà máy ĐMT Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) hơn 1 tuần trước, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết: Nhu cầu tăng trưởng các năm đều đạt 10%/năm. Năm 2018 sản lượng điện thương phẩm toàn quốc đạt 192,93 tỉ kWh. Để đáp ứng nhu cầu, cần bổ sung thêm khoảng 4.000 – 5.000 MW công suất nguồn điện mỗi năm; trong đó điện gió, ĐMT được ưu tiên vì năng lượng truyền thống như than, khí, thủy điện ngày càng cạn kiệt. Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là những ưu đãi cho nguồn điện này đã khiến các dự án ĐMT bùng nổ. Hiện vẫn còn khoảng 20.000 MW ĐMT “xếp chỗ” chờ bổ sung vào quy hoạch.

Một lý do góp phần gây nên sự quá tải là hàng loạt nhà máy ĐMT tập trung ở 6 tỉnh miền Trung và miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ ĐMT lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.

Để tư nhân tham gia truyền tải

Lưới điện quá tải, đầy tải dẫn đến hàng loạt hệ lụy mà chuyện điện gió bị ép giảm công suất nói trên là một điển hình. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật BASICO, việc ép giảm công suất là quá vô lý và không thể chấp nhận được. Đây là hành động trái với nguyên tắc và cả luật Điện lực, ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, ĐMT hay điện gió là xu hướng của thế giới và Chính phủ khuyến khích DN làm thì bây giờ ngành điện phải có trách nhiệm mua đủ và mua hết công suất của họ, không thể ép nhà đầu tư sản xuất ít lại được. Nếu để tình trạng ép sản xuất ít đi trong khi nhu cầu tiêu thụ cao kéo dài sẽ không chỉ gây thiệt cho nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn gây lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như nguồn lực xã hội. Điều quan trọng hơn là mất lòng tin của DN.

Theo bà Lan, hiện tại VN đang có thị trường phát điện cạnh tranh với sự tham gia đầy sôi động của các DN tư nhân ở các loại hình năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ…) nhưng truyền tải vẫn độc quyền của EVN. Là một DN nhà nước độc quyền theo chính sách của nhà nước, EVN phải thực hiện tốt chính sách đó. Trong trường hợp này, thay vì đầu tư các dự án điện than tốn kém, hãy dành nguồn lực đó đầu tư cho hạ tầng lưới điện vì phần phát điện đã có tư nhân đầu tư. “Trong trường hợp đó mà EVN vẫn không đủ nguồn lực đầu tư nâng cấp lưới điện theo nhu cầu phát triển của xã hội nữa thì cách tốt nhất là mở cả lĩnh vực này cho tư nhân tham gia. Thị trường chỉ tốt hơn lên khi có sự cạnh tranh”, bà Lan khuyến nghị.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800 MW – 850 MW điện mặt trời. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN, theo đó giá mua điện mặt trời là 9,35 US cent/kWh, có thời hạn đến 30.6.2019.

Quyết định số 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN, theo đó, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện 8,5 US cent/kWh. Đối với các dự án điện gió trên biển 9,8 US cent/kWh.

(Theo Thanh Niên)

Đọc nhiều