Vô nhân đạo hay sự đòi hỏi vô lí của 2 từ “miễn phí”
Hôm 24 tháng 4, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có đưa ra bảng giá đối với các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam. Các chuyến bay đón công dân về đa phần đề từ các nước là điểm nóng của dịch covid-19. Giá vé tùy khoảng cách dao động từ 300~2300 đô la Mỹ.
Một tài khoản tên Long Tứ nói: “Bây giờ là cơ hội cho bọn sâu bọ đại sứ quán làm ăn đây mà“, người khác tên Phương Anh thì mỉa mai: “Nhân đạo kiểu gì thế không biết, có mà nhân nhân tiền“. Ngoài ra còn rất nhiều bình luận như “niềm hy vọng đã vụt tắt, ai có tiền mới được về, 2300 USD sống được 8 tháng” hay “giá cả như thế thì còn ác hơn cả Trung Quốc, nhân đạo cái gì, nhân tiền thì có“… Thậm chí còn có nhiều bình luận tát nước theo mưa, lợi dụng bài viết để bôi nhọ lãnh đạo Nhà nước, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước.
Dẫu biết rằng có nhiều người luôn mang trong mình tâm lý “dựa vào cái nghèo, dựa vào hoàn cảnh khó khăn” để đòi hỏi được miễn phí, nhưng quả thật, đến mức như thế này thì thật quá đáng.
Cần phải biết, chính sách đón công dân của Nhà nước về nước để tránh dịch, mang ý nghĩa nhân đạo hơn nhiều so với 2300 đô la Mỹ tiền vé. Trong tâm bão dịch bệnh, sự “nhân đạo” ấy thể hiện ở việc Nhà nước thông qua đại sứ quán làm việc với chính quyền sở tại để mở đường bay, cấp phép cho sân bay hạ cánh trong bối cảnh nhiều quốc gia đã đóng cửa.
Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì dù có 230.000 USD cũng không có cửa lên máy bay về nước. Không có Đại sứ quán nào “ăn” được tiền vé của công dân đã bỏ ra, ngược lại, khi công dân Việt Nam về nước còn được cách ly miễn phí, được Quân đội, công an, y bác sỹ phục vụ tận răng trong 14 ngày, nếu không may dương tính với Covid-19 thì còn được điều trị miễn phí.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải hàng không họ cũng không phải là “nhà từ thiện“, trong bối cảnh ngành hàng không đang chịu rất nhiều thiệt hại vì dịch bệnh thì lẽ dĩ nhiên họ cũng có cái lý của họ khi đưa ra mức giá như vậy. Không Nhà nước hay Đại sứ quán nào ăn được tiền vé đó.
Một máy bay bay đến đón đồng bào về nước từ tâm dịch, tuy là đi 2 chiều nhưng người đi chỉ trả tiền vé 1 chiều về, chiếc máy bay đó chiều đi hoàn toàn do công ty hàng không chi trả. Máy bay cất cánh, hạ cánh đều mất chi phí khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh máy bay, phi hành đoàn bay sang đón Kiều bào về nước họ cũng phải cách ly 14 ngày và chịu rủi ro nhiễm bệnh rất cao, vậy thì ai sẽ là người trả những chi phí trên, ai sẵn sàng bay vào vùng dịch vì 2300 USD, chịu rủi ro dịch tễ để đón đồng bào về nước? Vậy thì nỡ lòng nào lại sẵn sàng dùng lời khó nghe để chỉ trích họ, “bắt” họ phải làm miễn phí mới là nhân đạo.
Các đường bay đa phần đều rất dài, chi phí khai thác rất lớn, thậm chí có những đường bay mà tổ bay Việt Nam chưa từng bay thẳng trực tiếp như Canada hay Hoa Kỳ. Phí tổn cho các công việc đảm bảo an toàn bay như sát khuẩn, khử trùng, bảo hộ, kiểm nghiệm rất đắt đỏ. Ngoài ra, chi phí lương cho tổ bay, đội ngũ kiểm soát không lưu trong và ngoài nước, phí kiểm dịch an toàn của nước sở tại.
Tháng 2 vừa rồi, có tỷ phú thuê chuyên cơ đón con gái về nước tránh dịch với chi phí hơn 8 tỷ, lấy đó để minh chứng rằng chi phí cho 1 chuyến bay như thế sang vùng có dịch đón kiều bào có chi phí rất lớn. Doanh nghiệp họ cũng phải sống, người lao động họ cũng phải sống, có lý do gì mà bắt họ phục vụ miễn phí “vô điều độ”?
Còn nhớ, khi nước Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia châu Âu thông báo đón công dân về nước, tất cả các quốc gia giàu có này đều yêu cầu công dân tự chi trả tiền di chuyển với chi phí hàng ngàn đô, nhưng không thấy ai khóc hộ là “vô nhân đạo”.
Còn nhớ, trong những lần đón công dân về nước “hoàn toãn miễn phí” trước kia, nhiều người đã tự ý bỏ trốn, tự ý rời khỏi khu cách ly tìm cách ra nước ngoài, để rồi một lần nữa Nhà nước lại phải “đón” họ miễn phí về một lần nữa, lại phải xử lý các hệ quả do họ gây ra.
Vậy mà họ lấy giá vé thương mại ra so sánh, lại còn so sánh giá vé khi khuyến mại và nói: “Ép người quá đáng, không khác gì bảo người Việt ở các nước này nghỉ đi, đừng mơ nữa”.
Nếu tính bài toán kinh tế, mức giá vé đắt nhất vào khoảng 2000 USD, nhưng đổi lại sẽ nhiều đặc quyền như cách ly miễn phí/hoặc chọn thu phí, chữa bệnh miễn phí, khám sức khỏe miễn phí sàng lọc các loại bệnh tật, thậm chí nếu mắc các bệnh nền nặng nhẹ cũng đều sẽ được ưu tiên chữa khỏi. Điều đó là quá hời!
Xét theo góc độ về GDP đầu người, những công dân đang sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu và Bắc Mỹ thì cơ bản thu nhập không thấp hơn người lao động trong nước, chưa kể là cao hơn rất nhiều lần đại đa phần người Việt.
Vậy mà giờ, lại còn muốn trở về miễn phí, nếu không được thì họ sẵn sàng dùng những từ ngữ rất đau lòng như vậy.
Đặt giả sử, nếu miễn phí toàn bộ, thì sẽ không phải là 10.000 người trở về nước theo dự tính mà con số ấy có thể lên tới hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn, điều này ngân sách nào chịu được? Thuế đâu để cõng? Hay lại là người dân trong nước đóng vào, rồi nhiều người Việt trở về quê hương chỉ với mục đích chữa bệnh, sau đó lại bay sang làm giàu cho nước bạn, chứ không hề mảy may nghĩ gì đến đồng bào trong nước.
Một số người Việt hay lấy Mỹ làm tương phản để so sánh với Việt Nam, giàu có là vậy, siêu cường thế giới là đó, nhưng quốc gia này chưa từng tuyên bố sẽ chữa bệnh miễn phí cho người dân nhiễm Covid-19. Còn tại Việt Nam, nhà nước tuyên bố chữa trị cho tất cả người Việt, bất kể rằng họ có bảo hiểm y tế hay không.
Dám xuất máy bay đi đón công dân trở về đã là một điều can đảm rồi. Vì phải hiểu một lẽ thế này, chính đợt đón công dân Việt Nam từ các tâm dịch phương Tây trở về sẽ khiến Việt Nam xuất hiện thêm các ca bệnh mới, sẽ tốn thêm chi phí cách ly, điều trị. Nhưng vì nghĩa đồng bào, Việt Nam vẫn chấp nhận rước người dân về nước.
1000 – 2000 đô không lớn lao gì, nhưng chính tấm lòng và những ưu ái, nỗ lực để giúp đỡ đồng bào về nước thì không có bất kỳ số tiền nào có thể mua được.
TH