Vợ chủ tịch Hà Giang ‘lọt lưới’ gian lận thi: Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm
Trao đổi với PV chiều 22.10, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, việc bỏ lọt vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhắn tin xin nâng điểm thi là dấu hiệu rất không bình thường.
Trước đó, như PV phản ánh, bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Phòng Tài chính – Hành chính sự nghiệp, thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Giang, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đã dùng điện thoại cá nhân nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang) nhờ giúp đỡ cho một người cháu.
Bà Nga không hiện không chỉ là chuyên viên, mà còn là đảng viên và là vợ của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn.
Điều đáng nói, hồi đầu tháng 10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh Hà Giang đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 151 cán bộ, đảng viên có sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Trong đó, nhiều người có hành vi tương tự như bà Nga đã bị kiểm điểm, kỷ luật.
Trong khi riêng bà Nga, dù có tới 36 đoàn kiểm tra vẫn “lọt lưới” và phải đến ngày xét xử cuối cùng tại phiên sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Giang, danh tính của nhân vật này mới được công khai.
Nhìn lại toàn bộ sự việc, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá, đây là những dấu hiệu rất không bình thường, có hiểu hiện của sự bao che. “Tại sao 36 đoàn kiểm tra không phát hiện ra? Tại sao cơ quan điều tra nắm được tin nhắn của tất cả mọi người lại không phát hiện ra trường hợp này?”, đại biểu đoàn Cà Mau nghi vấn.
“Về mặt nguyên tắc cán bộ mà là đảng viên sẽ phải kỷ luật khi vi phạm các quy định của Đảng. Nếu vi phạm pháp luật, tuỳ theo mức độ, lỗi vi phạm hành chính xử hành chính, hình sự thì phải theo hình sự. Tôi đề nghị phải xử lý nghiêm minh trường hợp này như các trường hợp mà Uỷ ban Kiểm tra Hà Giang đã xử lý công khai”, đại biểu Thanh Vân đề nghị.
Sẽ bổ sung vào diện kiểm điểm để xử lý
Liên quan đến sự việc trên, thảo luận về kinh tế – xã hội tại TP.HCM chiều nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bức xúc: “Có những trường hợp bị xét xử tại toà mà nói như người ngoài hành tinh xuống, không còn liêm sỉ. Anh có lỗi thì anh nhận tội đi. Đằng này, vi phạm của anh đánh mất niềm tin của nhiều người, đánh mất tương lai của nhiều em học sinh học thật khác, nhưng anh lại chối tội một cách rất ấu trĩ. Khi bị phát hiện không có thái độ ăn năn hối cải mà còn phản ứng bằng mọi cách. Nó giống như một kẻ giết người chỉ bao giờ bị kết tội mới hoảng sợ, còn trước đó chối được cái gì thì chối”.
Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phải xem lại vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức con người, bởi hiện vẫn còn một số cán bộ “nói một đằng làm một nẻo”.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Hà Giang cho biết, cơ quan này đã nắm được sự việc bà Nguyễn Thị Nga (vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn), nhắn tin xin nâng điểm cho người thân tại kỳ thi THPT năm 2018. Chiếu theo quy định, bà Nga đã vi phạm vào những điều đảng viên không được làm.
“Trong vụ gian lận tại kỳ thi THPT năm 2018, quan điểm của Tỉnh ủy Hà Giang là phát hiện sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Đối với trường hợp bà Nga, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy sẽ bổ sung vào diện kiểm điểm để xử lý”.
(Theo Thanh Niên)