128036
category
382767

Vợ chồng Dương Đường đang đối mặt với mức án nào ?

10/04/2020 19:35

Với cáo buộc gây thương tích cho người khác, Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, còn gọi là Đường Nhuệ – đại gia quê lúa Thái Bình) và vợ sẽ đối diện hình phạt từ 2-6 năm tù giam.

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam nữ “đại gia” bất động sản Nguyễn Thị Dương và truy nã đối tượng Nguyễn Xuân Đường (chồng Dương). Theo đó, Nguyễn Xuân Đường còn được biết đến với biệt danh võ sư Đường “Nhuệ”, thường tham gia một số phim thể loại “giang hồ mạng” phát trên Youtube…

Bên cạnh vẻ hào nhoáng, vợ chồng đối tượng này cũng bị nhiều người tố cáo về việc cho vay nặng lãi, hành hung, cố ý gây thương tích, đe dọa giết người, siết nợ theo kiểu “xã hội đen”, bảo kê đấu giá đất… Chính vì vậy, việc cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiên quyết xử lý hai đối tượng này được dư luận địa phương đồng tình ủng hộ.

Đối tượng Nguyễn Xuân Đường và vợ (ảnh FB đối tượng)

Theo cáo buộc, khoảng 10h40 phút ngày 30/3, nhân viên Công ty TNHH dịch vụ vận tải Phúc Cường có nhận vận chuyển 01 gói tài liệu của Công ty Đường Dương từ Thái Bình đi Hà Nội. Do người vận chuyển và người nhận không thống nhất được địa điểm giao hàng nên xảy ra mâu thuẫn và giao nhận hàng muộn. Sau đó Nguyễn Xuân Đường đã gọi điện đe dọa, yêu cầu nhân viên công ty Phúc Cường về Thái Bình gặp ông Đường.

Khoảng 18h20 cùng ngày, anh T.N.A (nhân viên công ty Phúc Cường) đến nhà Nguyễn Xuân Đường (cũng là trụ sở công ty trách nhiệm hữu hạn Đường Dương). Tại đây, Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương đã tra hỏi, đe dọa anh A. Sau đó, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Đức Mạnh, Phạm Ngọc Quý đã hành hung anh A gây thương tích nặng. Theo đó, anh A bị gẫy xương hàm, dập mũi, tỉ lệ thương tích là 14%.

Căn cứ kết quả giám định, ngày 7/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ đối tượng Đường) về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo khoản 2 (Điều 134, BLHS 2015).

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng, ngày 9/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra về tội danh trên. Do đối tượng này không có mặt tại địa phương, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Xuân Đường.

Trụ sở công ty bất động sản tại thành phố Thái Bình của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương.

Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, với mức thương tích 14% của nạn nhân thì các đối tượng Dương, Quý, Mạnh và Đường bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích là hoàn toàn chính xác. “Có thể cơ quan điều tra xác định hành vi “có tính chất côn đồ” nên khởi tố các đối tượng theo quy định tại khoản 2 (Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015). Nếu bị truy tố ở khung hình phạt này, các đối tượng sẽ phải chịu hình phạt từ 2- 6 năm tù giam. Có thể nói, vợ chồng ông Đường là một doanh nhân thành đạt đáng lẽ phải có cách cư xử mềm mỏng, hợp lý, chứ không phải dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Qua vụ việc cho thấy, vợ chồng đối tượng này có bản tính ngông cuồng và coi thường pháp luật”, luật sư Anh chia sẻ.

Cũng theo luật sư Anh, bên cạnh việc chịu hình phạt theo quy định của pháp luật thì vợ chồng đối tượng Đường còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại được quy định tại Điều 590 (Bộ luật Dân sự 2015) gồm: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm”.

Sơn Ca

Đọc nhiều