130115
topics
384554

Viết về những “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đinh Lực 14/04/2020 17:24

Chiến trường nào cũng có biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng đều có những mất mát, hy sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, công cuộc này đã đi đến những thành công nhất định, nhưng điều đọng lại nhiều cảm xúc, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt nhiều nhất chính là hình ảnh về những y bác sĩ, những chiến sĩ công an, quân đội, những con người vẫn ngày đêm tạo nên “lá chắn thép” bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân.

Câu chuyện cảm động về hình ảnh người “chiến sĩ áo trắng” lập bàn thờ vái vọng cha nơi làm việc

Khi đất nước rơi vào cảnh khó khăn, thì sức mạnh truyền thống dân tộc lại được khơi dậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã cùng một ý chí, đoàn kết một lòng chống giặc Covid-19.

Chưa ai dám khẳng định Việt Nam đang chiến thắng đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đều có niềm tin và đặt niềm tin đó vào một đội ngũ từ Chính phủ lãnh đạo, hệ thống chính quyền đều vào cuộc, rồi hơn hết đó là những người đứng đầu hệ thống y tế, những cán bộ chiến sĩ quân đội vẫn đang làm nhiệm vụ vùng biên giới, những chiến sĩ công an cùng với đội ngũ y tế dự phòng túc trực, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ người dân.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn 2 và đã diễn ra quyết liệt trong hơn 3 tháng qua, với lời hiệu triệu: “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm sâu sát từ Trung ương đến tận tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch.

Hình ảnh những con người “ăn núi, ngủ rừng”, ăn vội vàng bữa cơm chiều, ngủ tạm trên ghế nhà ăn, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ,… của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống giặc đã lay động hàng triệu con tim người Việt.

Để đảm bảo sức khoẻ cho người dân, người đang ở khu cách ly hay những người đang phải điều trị dịch bệnh Coivd-19. Thì không ít cán bộ, chiến sĩ đang tham gia chiến đấu chống dịch Covid-19 đang phải túc trực 24/7, ngày đêm ở vùng dịch, khu cách ly… Họ là những người đã phải hy sinh rất nhiều, từ việc xa gia đình, tạm xa người thân, sống và làm việc hoàn toàn vì lợi ích chung, chứ không tư lợi.

Giống như chia sẻ của bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nói rằng: “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Hay câu chuyện thực tế về những chiến sĩ quân hàm xanh, những con người “ăn núi, ngủ rừng” tại 4 tỉnh biên giới phía Bắc, là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, gần 300 học viên Học viện Biên phòng đã xung phong lên đường, xuất quân bổ sung lực lượng cho quân số chống dịch nơi tiếp giáp với quốc gia xuất phát của dịch là Trung Quốc.

Trong cái rét tháng 3, thời tiết miền bắc nào có thuận lợi gì khi mưa dầm, rét mướt, gió giật… mà các lán trại dã chiến được dựng giữa núi rừng, không điện, không nước. Để có được nước uống, sinh hoạt thì các chiến sĩ phải đi hàng km để tìm suối lấy nước về rừng.

Khó khăn đến thế, nhưng ở nơi biên giới Tổ quốc vẫn sáng mãi những bóng hình những con người sống vì mọi người. Câu chuyện về chia sẻ của Trung sĩ Nguyễn Việt Hưng sinh viên Học viện Biên phòng, thực hiện nhiệm vụ gác khu vực biên giới nói:

“Nhưng dù có khó khăn đến mấy, với em những điều học được những ngày này là kiến thức thực tế quý giá. Dù trong bất cứ nhiệm vụ nào, đã là chiến sĩ biên phòng thì luôn phải bảo vệ biên giới và sự bình yên cho người dân”.

Câu nói đó giữa thời điểm dịch đang bùng phát đợt 2, điều đó đã giúp người dân yên tâm hơn nhiều về công tác phòng chống dịch ở nơi tuyến đầu biên giới.

Nhiều câu chuyện về hình ảnh người chiến sĩ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gây xúc động

Hay câu chuyện cảm động nhất đó là giữa nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ, giữa tình mẫu tử và lòng tận trung với Tổ quốc. Không ít chiến sĩ quân hàm xanh, hay cả những y bác sĩ đều lựa chọn lòng tận trung cho Tổ quốc, điều này mới thấm nghĩa cử cao đẹp của họ.

Ngày 2/4, khi đang thực hiện nhiệm vụ chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 tại thị xã Kiến Tường (Long An), Trung úy Nguyễn Đình Thông nhận được tin cha anh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác.

Trung úy Nguyễn Đình Thông đang là đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Bộ đội Biên phòng Long An.

Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay trước chốt kiểm soát mà anh Thông và cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ.

Một bàn thờ nhỏ, đơn sơ với lọ hoa tươi, trái cây, bát nhang,… không di ảnh. Được lập ngay trước lán nơi Trung uý Thông đóng quân. Người chiến sĩ biên phòng mang khăn tang trắng, cùng đồng đội lặng lẽ cùng cúi đầu tiễn biệt, xin cha tha thứ vì nhiệm vụ đất nước đã không trở về gặp cha lần cuối.

Hay mới đây, điều dưỡng Trưởng khoa B6 thuộc Bệnh viện số 2 Hạ Long, Quảng Ninh cũng đã không thể về đưa tiễn Cha ruột lần cuối do đang làm nhiệm vụ tại Khu cách ly đặc biệt Bệnh viện số 2 Hạ Long.

Khi những người đứng lên tuyến đầu chống dịch, thì họ đã phải chấp nhận sự hy sinh, thiệt thòi, nhưng những đồng nghiệp của họ cũng đã cùng chia sẻ, ủng hộ, động viên lẫn nhau, để “chia ngọt, xẻ bùi” nỗi đau, mất mát để tiến đến lợi ích của dân tộc xa hơn là chống dịch, dập dịch và đưa đất nước ổn định, phát triển trở lại.

Khi khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng những người chiến sĩ quân hàm xanh, chiến sĩ mặc áo trắng của dân tộc Việt Nam anh hùng vẫn đứng vững tuyến đầu với ý chí, bản lĩnh kiên cường, ngày đêm bảo vệ tính mạng của bệnh nhân, đồng bào và kiều bào trong suốt những ngày qua.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn nhiều chông gai, con đường còn vô vàn gian khó, những chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ mang quân hàm xanh, lực lượng vũ trang vẫn chấp nhận hy sinh, để đất nước được kiểm soát tình hình dịch bệnh, an toàn cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Nhờ có những “lá chắn thép” ngày đêm không ngừng bảo vệ sức khoẻ của người dân mà đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào tử vong do virus Covid-19 gây ra, thậm chí số lượng người mắc thấp mà số người chữa khỏi lại tăng cao. Nhờ có đóng góp của họ mà Việt Nam còn là điểm sáng trên toàn cầu, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao.

Chiến sĩ áo trắng vẫn sẽ mãi là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi nghi nhận sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 này.

“Người dân Việt Nam đều rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch. Việc điều trị thành công các ca bệnh, chưa để xảy ra trường hợp tử vong không chỉ là niềm mong mỏi, niềm tin, sự tự hào của Ngành Y tế Việt Nam mà còn niềm tự hào của dân tộc Việt Nam” như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng bày tỏ.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều