419
category
387390

Việt Tân, Nhật ký yêu nước xuyên tạc về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đinh Lực 22/04/2020 17:50

Trung Quốc ngày 18/4 thông báo thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trước động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”, bà Hằng cho hay.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, người phát ngôn nhấn mạnh.

Xuyên tạc trên trang Nhật ký yêu nước về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Mới đây, trang facebook của tổ chức phản động Việt Tân và Nhật Ký Yêu nước đã liên tục công kích, xuyên tạc rằng Việt Nam đã bán đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc. Mục đích liên tục chia sẻ thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng hướng lái dư luận, kêu gọi, kích động người dân biểu tình chống Đảng, Nhà nước.

Điều nực cười nhất là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hoà trước đây đã từng thất bại trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa – vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Những kẻ đã tay không dâng đảo cho Trung Quốc, để rồi hôm nay lại hiến kế, dâng trò cười cho thiên hạ.

Trước hết, phải khẳng định chắc chắn rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ tuyên bố bỏ Hoàng Sa, không bao giờ nói chịu nhượng bộ bất cứ đảo nào của Việt Nam cho Trung Quốc.

Nội dung trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”, nhưng không có sự khẳng định công nhận yêu sách của Trung Quốc với hai quần đảo.

Thử hỏi trong bức thư đó nội dung, từ ngữ nào mang tính “hiến, cho, tặng, biếu, bán…” đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho Trung Quốc?

Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mục đích đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc đối với các nước xã hội chủ nghĩa nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh của họ chống lại chính sách tự do trên biển của Mỹ theo đuổi trong eo biển Đài Loan, đe dọa tới nền an ninh quốc gia của Trung Quốc vào thời kỳ đó.

Công hàm ở thời khắc lịch sử cho thấy một sự cam kết mang tính chính trị nhiều hơn pháp lý, một hình thức thường được các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để thể hiện sự đoàn kết về mặt tư tưởng.

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội theo đề cử của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ và của mình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Trong quyền hạn của mình, một Thủ tướng không có thẩm quyền từ bỏ, bán hoặc chuyển nhượng cho lãnh thổ khác. Thẩm quyền đó thuộc về Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Một chi tiết lịch sử chính xác nhất đó là thời điểm ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, tại thời điểm này Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Và công hàm này giữa Việt Nam và Trung Quốc không bao gồm Hoàng Sa.

Vì thế công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không có giá trị trong việc công nhận chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Vậy thử hỏi Việt Tân và Nhật ký yêu nước đang tấn công, vu khống có cơ sở pháp lý, ngoài ra cũng chỉ là hành động xuyên tạc nhằm mục đích vu khống, tố cáo, gây hoang mang dư luận của những tổ chức phản động này.

Fanpage khủng bố Việt Tân cũng liên tục xuyên tạc về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Khi mà Việt Tân và Nhật ký yêu nước vẫn đang xuyên tạc ở nước sở tại, nhằm âm mưu lật đổ chính trị, gây bạo động trong nhân dân. Thì tại Biển Đông, quân và dân ta vẫn đang ngày đêm bám biển, khẳng định chủ quyền và chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Còn nhớ, Vụ hạ giàn khoan Hải Dương-981 là sự việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, dẫn tới việc nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm.

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ hồi tháng 7/2014 sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu:

“Không ai chọn được láng giềng”; “Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không vẫn phải sống cạnh nhau, không ai chọn được láng giềng. Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra, mà trong lịch sử chúng ta đã biết rồi, đã xảy ra nhiều lần rồi. Từ xa xưa cho đến nay, chúng ta luôn phải tìm cách làm sao để chung sống với nhau hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển nhưng đồng thời phải giữ vững độc lập, chủ quyền. Cái khó là ở đó” – Tổng bí thư nói.

“Chúng ta nói thẳng thắn, công khai giữa diễn đàn Quốc hội, cả thế giới đều biết. Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại” – ông nói.

Trước cử tri quận Tây Hồ, Tổng bí thư đề nghị chúng ta phải xác định con đường bảo vệ đất nước dù lâu dài, phức tạp, nhưng cũng phải bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, phát suy sức mạnh tổng hợp. Nhằm ngăn ngừa việc Trung Quốc đụng chạm đến chủ quyền quốc gia và thực hiện âm mưu bành trướng, lấn chiếm biển Đông.

Hay trong cuộc đối thoại với các nhà khoa học được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5/2014, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã có những phát biểu đáng chú ý về vấn đề biển Đông.

“Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được”. Câu nói này của Phó thủ tướng đã thúc đẩy phong trào yêu nước của người dân Việt Nam, để giữ một trái tim nóng và một cái đầu lạnh bảo vệ Tổ quốc.

Cũng mượn câu trả lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc một nhà khoa học hỏi về “16 chữ vàng” và “4 tốt” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Phó thủ tướng ví von:

“Vàng rất quý, nhưng kim cương còn quý hơn vàng! Tôi cho rằng, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Bác Hồ đã dạy, quý nhất là bốn chữ “độc lập, tự do”.

Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc là cuộc đấu trí và đấu lý với “giặc ngoài” ở Biển Đông, dù khó khăn muôn trùng nhưng những người chiến sĩ quân đội của ta vẫn không nản, cố gắng hết mình. Vậy mà ở trong nước vẫn có những thứ “giặc trong” không ngừng phá hoại, kích động nhân dân.

Qua những xuyên tạc của tổ chức Việt Tân và fanpage Nhật ký yêu nước chúng ta cần phải đấu tranh, ngăn ngừa các hành động xuyên tạc, cổ vũ và kích động nhân dân phục vụ âm mưu của chúng. Hãy tỉnh táo yêu nước bằng “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều