Việt Nam xếp thứ 12/20 nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á

Bảo Trâm 08/04/2024 10:32

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 (World Economic League Table) của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố đánh giá VN là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 434 tỉ USD. Vị trí này dự kiến có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033 và sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038 với quy mô GDP lên đến 1.559 tỉ USD. Với ưu thế dân số đông và trẻ, VN có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất

Trong bài viết đăng tải trên trang finance.yahoo.com (Mỹ) ngày 04/4, năm 2024, tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á sẽ cải thiện và dự báo đạt 4,5%, cao hơn so với mức dự đoán trước đó là 4,2%. Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6.

Căn cứ để xác định 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á trong năm 2024 gồm các yếu tố: tốc độ tăng trưởng GDP thực tế và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Cả hai chỉ số này đều được quốc tế công nhận để đo lường sức khỏe và sự tiến bộ của một nền kinh tế. Việt Nam xếp thứ 6 về tốc độ tăng trưởng ở Châu Á. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2024 dự kiến ở mức 5,8%, tăng trưởng GDP bình quân đầu người dự kiến ở mức 7,41%.

Xếp trước Việt Nam là các nền kinh tế: Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc) ở vị trí số 1; Ấn Độ thứ 2; Campuchia thứ 3; Bangladesh thứ 4; Philippines thứ 5. Xếp sau Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á có Indonesia (10); Malaysia (14); Lào (18); Thái Lan (20)… Trung Quốc ở vị trí 17.

Cũng theo bài viết, các nền kinh tế Châu Á được dự báo sẽ đóng góp hơn 60% cho tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế Ấn Độ ghi nhận nhu cầu trong nước mạnh và Trung Quốc chi nhiều hơn cho các dự án tái thiết và phục hồi sau thảm họa. Đây được cho là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Hơn nữa, các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khác gồm tác động lan tỏa tích cực từ năm 2023, môi trường bên ngoài thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ở Mỹ thúc đẩy nhu cầu về công nghệ và các chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, bài viết nhận định khả năng phục hồi kinh tế của khu vực còn phụ thuộc vào việc quản lý rủi ro.

Các nền kinh tế Châu Á phải đối mặt với một số thách thức như cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, những biến động tài chính của một số nền kinh tế có tỉ lệ nợ cao, chuỗi cung ứng dài và kém hiệu quả cũng như mối đe dọa về chi phí vận chuyển tăng cao. Về mặt tích cực, các chính sách tài chính và tiền tệ hiệu quả để quản lý những mối đe dọa này có thể thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa.

CEBR nhận định: VN tăng trưởng mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp, tức là chưa phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như nhiều quốc gia khác. Mức tăng giá tiêu dùng năm 2023 cũng thấp hơn tỷ lệ lạm phát trung bình 10 năm, là 3,8%. Điều này tạo dư địa trong chính sách điều hành tiền tệ của VN. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm trong năm ngoái giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng; tỷ lệ nợ Chính phủ năm 2023 dự kiến 35% GDP, giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với 2022.

VN cũng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng hàng Việt xuất sang Mỹ tăng gần 2% từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang vào năm 2018. Điều này cũng được bổ sung bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ từ các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm cả Trung Quốc. Điều này có thể đưa VN đạt được mục tiêu đề ra là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Trước đó, tháng 10.2023, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo GDP của VN sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% vào năm 2025. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng GDP của VN lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Ngân hàng Thế giới cho rằng môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở VN chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhận xét VN đang có nhiều lợi thế để có triển vọng kinh tế tốt hơn và thậm chí có thể có thứ hạng cao hơn theo dự báo của bảng xếp hạng CEBR công bố vì một số lý do sau. Thứ nhất là có cơ hội lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, nếu ngành công nghiệp bán dẫn thành công theo chiến lược đề ra, các lĩnh vực số bứt phá, tận dụng triệt để thành tựu công nghệ và áp dụng đồng bộ…; chắc chắn quy mô nền kinh tế VN sớm vượt mốc ngàn tỉ USD.

Thứ hai, bên cạnh tiềm năng về ngành công nghiệp bán dẫn, nông nghiệp vẫn là mảng mà VN đang có thế mạnh. Trong khó khăn như năm 2023, xuất khẩu nông thủy sản đã có bứt phá ngoạn mục, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, VN đang hướng đến chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, một ngành từng đưa nền kinh tế tại các quốc gia phát triển lên đỉnh cao trong thế kỷ trước và giá trị của nó đến nay vẫn còn nguyên vẹn. VN là quốc gia đi sau, đang phát triển, xu hướng toàn cầu có thể khác, hướng đến nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường… Nếu song song phát triển công nghiệp bán dẫn, VN chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sẽ tạo thế vững chãi cho nền kinh tế, tạo thế mạnh, cạnh tranh với khu vực châu Á và nhiều nước đang phát triển toàn cầu.

Bảo Trâm

Đọc nhiều