Việt Nam vươn lên xếp thứ 6 thế giới về xuất khẩu xơ sợi

Bích Vân 05/10/2023 10:46

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 174.205 tấn và thu về hơn 427,4 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về 2,88 tỷ USD với hơn 1,16 triệu tấn, tăng 6,8% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.476 USD/tấn, giảm 22% giảm so với cùng kỳ năm 2022 (3.171 USD/tấn).

Xét về thị trường, một thị trường châu Á đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam so với năm 2022.

Cụ thể trong tháng 8/2023, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại sang Hồng Kông đạt 521 tấn với kim ngạch hơn 1,39 triệu USD, tăng hơn 847% về lượng và tăng 354% về trị giá so với tháng 8/2022.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu 3.767 tấn xơ, sợi dệt của Việt Nam với kim ngạch hơn 11,9 triệu USD, tăng 194% về lượng và tăng 55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại bình quân vào thị trường này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 3.166 USD/tấn, giảm 47,3% so với cùng kỳ năm 2022 (6.006 USD/tấn).

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021 và xuất khẩu xơ sợi dệt các loại đạt 2,54 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với năm 2021.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 đạt khoảng 40 tỷ, giảm 10% so với năm 2022. Theo Vitas, năm nay, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Do hàng dệt may không phải hàng thiết yếu nên bị sụt giảm đơn hàng.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xơ, sợi dệt Việt Nam. Cụ thể trong tháng 8/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 95.494 tấn với trị giá hơn 252 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 56% về trị giá so với tháng 8/2022. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sơ, sợi dệt sang thị trường tỷ dân thu về hơn 1,5 tỷ USD với 570.403 tấn, tăng 15% về lượng nhưng giảm 6,25% về trị giá so với 8 tháng năm 2022.

Nguyên nhân trị giá sụt giảm trong khi sản lượng tăng là do giá xuất khẩu đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Bình quân trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại sang Trung Quốc đạt 2.264 USD/tấn, giảm 27% so với cùng kỳ.

Như vậy tính đến hết tháng 8, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu của ngành, giữ vững vị trí khách hàng lớn nhất của ngành xơ sợi dệt Việt Nam trong nhiều năm liền. Trong năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đã thu về hơn 2,1 tỷ USD với 710.767 tấn, chiếm 45% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Thị phần của Trung Quốc đã tăng lên trong 8 tháng đầu năm cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành nguồn cung được thị trường tỷ dân ưu ái.

Trung Quốc đã sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào Quý 2 năm 2023, hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi kể từ nửa sau 2023. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp may mặc do 70% nguyên liệu vải của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhu cầu cho các mặt hàng ngành Dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn vào Quý 4 năm 2023.

Tại Trung Quốc, bên cạnh nguồn cung bông, xơ sợi trong nước, quốc gia láng giềng này vẫn đang tăng mạnh nhập khẩu những nguyên liệu này từ các thị trường khác như Úc, Brazil và Việt Nam để phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Trong năm 2022, Trung Quốc đã thu về hơn 176 tỷ USD từ xuất khẩu dệt may, đứng đầu toàn cầu.

Bích Vân

Đọc nhiều