Mối quan hệ đặc biệt trong một trật tự thế giới mới
Đó là nhận định của ISEAS – trang tin điện tử chính thức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, thông qua bài viết: “Quan hệ Việt Nam – Mỹ trong một trật tự thế giới mới”. Qua đó, ISEAS một lần khẳng định mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia đã có những bước tiến và thành tựu rất đáng ghi nhận.
Cánh Cò xin phép được tổng hợp và gửi tới quý bạn đọc những nội dung chính của bài viết như sau:
27 năm sau khi thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Mỹ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực, toàn diện, và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Trong đó, Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia các quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi; tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Năm 2020, Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước đồng thời tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác. Năm 2022, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ được tổ chức thành công chính là động lực để hai quốc gia nâng tầm lên một mối quan hệ mới – quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có sự tăng trưởng vượt bậc, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Năm 2021, dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 nhưng thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ vẫn đạt gần 111,56 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2020.
Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 96,3 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 15,3 tỷ USD, tăng 11,4% so năm 2020. Thặng dư thương mại của Việt Nam với nền kinh tế số 1 thế giới đạt 81 tỷ USD, vượt qua nhiều nền kinh tế lớn, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu các tháng đầu năm nay đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, tăng gần 19% so cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4-2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 10,3 tỷ USD, tăng gần 33,3% so với cùng kỳ năm 2021. Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Mỹ luôn là cánh cửa lớn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ 2022, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục được nâng tầm và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Thông qua chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển hài hòa và bền vững, thời gian tới tập trung vào đa dạng hóa cung ứng, chuyển đổi thương mại trong đầu tư và thúc đẩy khoa học công nghệ. Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ yên tâm, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam – Mỹ là một mối quan hệ đặc biệt. Hai nước đã vượt qua quá khứ đau thương của chiến tranh, cùng nhau hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Theo ISEAS, có ít nhất 2 động lực chính, thúc đẩy Việt Nam và Mỹ nâng tầm lên quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” trong bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều căng thẳng:
Thứ nhất, các chính sách phù hợp được áp dụng. Việt Nam đã coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình, trong khi Việt Nam cũng đã được coi là quốc gia có tầm quan trọng hơn trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cả hai bên đã nhất trí về các nguyên tắc của mối quan hệ song phương, trong đó có sự tôn trọng hệ thống chính trị-xã hội của nhau và mục đích cuối cùng của nỗ lực là vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Vào tháng 7/2015, lần đầu tiên trong quan hệ Việt Nam – Mỹ, Chính phủ Mỹ đã chào đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức. Bản thân chuyến thăm lịch sử này được coi là một minh chứng vững chắc cho sự tin cậy lẫn nhau và sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của nhau giữa Việt Nam và Mỹ.
Thứ hai, hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ đều đang cần nhau. Thị trường Mỹ rộng lớn rất quan trọng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đồ nội thất và chăn ga gối đệm, hàng dệt kim, giày dép, đến các sản phẩm nông thủy sản. Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ bảy của Mỹ và cũng là thị trường quan trọng đối với các dịch vụ của Mỹ.
Về đầu tư, Việt Nam được coi là thị trường hấp dẫn bởi sự ổn định về chính trị và xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định, với lực lượng lao động trên 51 triệu người, trong đó có nhiều người trẻ tuổi, cần cù, ham học hỏi. Nằm ở châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ, Việt Nam là một điểm đến thích hợp để tái định vị chuỗi cung ứng trong thế giới ngày nay.
Tổng kết lại, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chắc chắn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Mỹ. Chuyến thăm cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để tăng cường và làm sâu sắc hơn thương mại và đầu tư song phương, vì lợi ích của cả hai dân tộc, vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung, trang ISEAS nhận định.
Lan Hoa (Theo ISEAS)