Việt Nam và con đường dẫn đầu xu thế AI tại Châu Á

01/02/2024 09:11

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động tới hiệu suất và cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho doanh nghiệp, mà ở tầm vóc quốc gia. Đồng thời sẽ đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng cho kinh tế số Việt Nam.

Năm 2023 được xem là năm đánh dầu sự phát triển vượt bậc của AI.

Trong năm 2023, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, để AI phát huy hết tiềm năng ở mức độ toàn cầu thì các quốc gia trên thế giới cần có các cấu trúc và rào chắn mới cũng như sự phối hợp toàn cầu trong quá trình thiết kế các quy định về quản trị AI.

Mặc dù mỗi nước có thể phải đối mặt với những rủi ro và thách thức khác nhau, năm nguyên tắc cốt lõi sau đây sẽ định hướng cho quá trình hoạch định chính sách để quản lý AI hiệu quả trong năm 2024 và tương lai sắp tới.

2023 – năm bùng nổ nhận thức về trí tuệ nhân tạo

Mặc dù trí tuệ nhân tạo, ở dưới nhiều dạng thức, đã âm thầm hỗ trợ cho cuộc sống của con người trong nhiều thập kỷ qua, nhưng với sự đột phá về công nghệ trong những năm gần đây, đặc biệt là sự ra đời của Chat GPT4, 2023 đã được ghi nhớ như một thời điểm bùng nổ của loại hình công nghệ này.

ChatGPT đã trở thành người dẫn đầu đưa AI đến gần hơn với người dùng một cách sâu rộng.

Với sự ra đời của AI thế hệ mới, công nghệ này đã tạo ra những đột phá trong nhận thức phổ biến và đang định hình diễn ngôn của công chúng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và kinh tế, khơi dậy sự cạnh tranh địa chính trị và thay đổi mọi hoạt động của con người, từ giáo dục, y tế đến nghệ thuật.

Sự phát triển ngoạn mục của AI được tính theo từng tuần. Loại hình công nghệ này sẽ không biến mất và đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng và mang tính bước ngoặt đưa đến một cuộc tranh luận chưa từng có về việc liệu AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay đang mở ra chiếc hộp Pandora chứa đựng một tương lai đầy ác mộng?

Trí tuệ nhân tạo bắt đầu “bén rễ” vào kinh tế Việt Nam

Theo khảo sát toàn cầu hàng năm của Finastra vừa công bố cho thấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài của ngành tài chính Việt Nam. Sự ra đời của công nghệ mới và AI không chỉ tạo ra vô số cơ hội phát triển sản phẩm mà còn rút ngắn thời gian giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt trội.

Bài viết nhận định Việt Nam đang trở thành những quốc gia hàng đầu châu Á sử dụng AI để phát triển kinh tế.

Trên tinh thần đó, các công ty mong muốn có thể theo dõi sự phát triển của công nghệ mới và AI tại Việt Nam. Chẳng hạn như Finastra đã công bố kết quả Khảo sát hiện trạng dịch vụ tài chính quốc gia năm 2023, qua đó tiết lộ một số phát hiện quan trọng liên quan đến các công nghệ mới đang được sử dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở quốc gia Đông Nam Á.

Những phát hiện này cho thấy công nghệ mới sẽ đưa Việt Nam tiến lên phía trước.

Theo Finastra, 94% tổ chức tài chính ở Việt Nam rất hào hứng với những cơ hội mà AI mang lại cho ngành. Điều đó còn được thể hiện qua việc triển khai rộng rãi AI trong các ứng dụng ngân hàng điện tử và ví điện tử tại Việt Nam.

FPT.AI hiện là nhà cung cấp các giải pháp Trí tuệ Nhân tạo cho các Ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.

Việc triển khai AI Chatbots ngày càng tăng được giải thích bởi tính hữu ích đối với ngành tài chính. Chatbots AI sử dụng công nghệ NLP không chỉ có thể phân tích ngôn ngữ của người tiêu dùng và đưa ra phản hồi phù hợp mà còn có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ vị trí nào, sử dụng các tình huống đa ngữ cảnh và các cuộc hội thoại tự nhiên.

Tập trung vào việc cải thiện dịch vụ khách hàng bằng AI là mục tiêu tốt nhất theo ý kiến của 45% số người tham gia khảo sát của Finastra tại Việt Nam.

Trong thời điểm mà các tổ chức tài chính liên tục đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số để đạt được lợi thế cạnh tranh, sự hài lòng của khách hàng thông qua dịch vụ khách hàng chất lượng tốt có thể là một lợi thế quan trọng.

Việt Nam ghi tên vào top đầu BXH phát triển AI tại châu Á

Bài viết nói về sự phát triển của AI tại Việt Nam đăng tải trên trang Nikkei Asia Review.

Theo đánh giá của Nikkei Asia, Việt Nam đã bước vào cuộc đua phát triển các chương trình Trí tuệ Nhân tạo (AI) tổng quát, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa địa phương tại khu vực châu Á, với chương trình AI mang tên ViGTP được phát triển bởi VinBigData (VBD).

Thị trường toàn cầu về AI tổng hợp đang có xu hướng mở rộng với tỷ lệ tăng trưởng 42% mỗi năm, theo ước tính từ Bloomberg Intelligence. Dự kiến vào năm 2032, giá trị thị trường này sẽ đạt 1,3 nghìn tỷ USD, tăng gấp 32 lần so với quy mô 40 tỷ USD của năm 2022.

Mặc dù các công ty công nghệ lớn như OpenAI, Google và Amazon từ Mỹ đang dẫn đầu, VinGroup của Việt Nam đã quyết định phát triển một phiên bản độc lập với dữ liệu trong nước để tạo ra AI có độ chính xác cao hơn so với các đối thủ quốc tế, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt.

Hiện nay, các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) thường được đào tạo chủ yếu trên dữ liệu tiếng Anh, điều này dẫn đến việc thiếu dữ liệu từ Việt Nam và giảm độ chính xác của chúng khi xử lý văn hóa, lịch sử và luật pháp địa phương.

Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của ViGPT bao gồm 1,6 tỷ tham số, tương đương vài phần trăm kích thước của GPT-4 của OpenAI. Mặc dù có ít thông số hơn, nhưng theo bài đánh giá AI tổng quát tùy chỉnh cho thị trường Việt Nam, ViGPT vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ quốc tế và chỉ đứng sau ChatGPT theo điểm số.

VinFast, công ty con của Tập đoàn Vingroup, sẽ tích hợp công nghệ AI vào sản xuất xe điện. Điều này cho phép người lái xe điều khiển phương tiện thông qua lệnh bằng giọng nói tiếng Việt. Tập đoàn cũng có kế hoạch áp dụng AI vào các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm và hậu cần.

Ông Pablo Fuentes Nettel, một chuyên gia tư vấn cấp cao tại Oxford Insights.

Ông Pablo Fuentes Nettel, một chuyên gia tư vấn cấp cao tại Oxford Insights, đã phân tích bảng xếp hạng “Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ Nhân tạo của Chính phủ” năm 2022 và cho biết Việt Nam hiện đang là một trong số 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo.

“Sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam cho sự phát triển của AI là một ưu điểm lớn,” ông Nettel nhấn mạnh.

Việt Nam phấn đấu thuộc top 4 ASEAN, top 50 thế giới về AI năm 2030

Với nền kinh tế năng động và dân số trẻ có kỹ năng cao, Việt Nam có cơ sở để tận dụng cơ hội lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, Việt Nam sở hữu 2 “kỳ lân” công nghệ và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một dân số trẻ, nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ và có sự quan tâm đặc biệt đến việc học tập và làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các trường đại học hàng đầu của Việt Nam, như Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã thiết lập các ngành đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Điều này tạo ra điều kiện rất thuận lợi để đảm bảo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời thúc đẩy sự phát triển rộng rãi của trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, đã xác định Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào công nghệ cao.

Ông Leif Schneider, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Hiệp hội các doanh nghiệp châu u tại Việt Nam (Eurocham), nhận định Việt Nam và EU có thể trở thành đối tác phát triển ô tô, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Cuộc đua trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo Generative không chỉ là về khía cạnh công nghệ mà còn liên quan đến độc lập và an ninh quốc gia. Các quốc gia đang đẩy mạnh nỗ lực để tạo ra các công cụ trí tuệ nhân tạo có khả năng hiểu ngôn ngữ và văn hóa riêng, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ từ các quốc gia khác.

Với tham vọng trở thành một trung tâm về AI của ASEAN vào năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới.

Đây là mục tiêu tham vọng nhưng phù hợp cho Việt Nam bởi nước ta hiện có nền tảng dân số trẻ, cởi mở với công nghệ, lại có nền kinh tế năng động, ngày càng hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đó, những điều chỉnh về địa chiến lược của các nước phương Tây và việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ giúp ta có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất chip.

Do đó, Việt Nam không có lợi ích trong việc ủng hộ các nỗ lực kiểm soát AI một cách cực đoan. Cần khuyến khích thái độ cởi mở với AI bởi công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, khai phóng tiềm lực của xã hội, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt ở các vùng còn kém phát triển. Từ đó biến tham vọng trở thành mục tiêu chính để Việt Nam hướng tới trong những năm sắp tới, nhằm bắt kịp và dẫn đầu xu thế toàn cầu.

Bảo Trâm

Đọc nhiều