Việt Nam ứng phó ra sao nếu Trung Quốc xả lũ ồ ạt?
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam đang lên kịch bản chống tràn đê, phân lũ, sơ tán dân ở khu vực miền Bắc, nếu Trung Quốc tăng lượng xả lũ.
Ngày 6/7, trao đổi với PV, ông Hoài cho biết, hiện nhiều nước giống Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar có mưa lũ rất lớn. Đặc biệt các hồ chứa lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu xả lũ, trong khi mưa lơn ở phía Nam nước này còn phức tạp và khả năng kéo dài.
Liên quan đến mưa lũ lớn khiến đập Tam Hiệp (Hồ Bắc, Trung Quốc) xả lũ, liệu ảnh hưởng đến Việt Nam? Ông Hoài cho biết, Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới và hiện lượng nước về đập này tiếp tục gia tăng.
Cơ quan phòng chống thiên tai phía Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo từ cấp 4 lên cấp 3, đồng thời đập Tam Hiệp đang tăng mức xả lũ.
“Tuy nhiên, lưu vực, hạ du của đập Tam Hiệp lúc xả lũ sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam”, ông Hoài khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, nếu xảy ra mưa lớn ở thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến hạ lưu ở Việt Nam.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, xả lũ các hồ ở phía Trung Quốc. Trong đó, có nhiều hồ chứa phía Trung Quốc, nếu xả lũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Chúng tôi đã lắp đặt thiết bị tự động theo dõi lượng nước về, sẵn sàng các kịch bản khi tình huống bất trắc”, ông Hoài nói.
Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho biết, hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang tổng hợp tất cả các tình huống có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc.
“Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc tổ chức cuộc họp với các địa phương trọng điểm ở miền Bắc, nhằm chủ động bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản của người dân”, ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, một trong những phương án đưa ra, là khi mưa lũ vượt tần suất thiết kế, vượt tần suất đảm bảo an toàn cho hệ thống đê. Lúc đó sẽ có phương án chống tràn đê, phân lũ ra sao, sơ tán dân ở vùng phân lũ thế nào.
“Thậm chí, chúng tôi đã làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 để đưa ra phương án, nếu có tình huống phải sơ tán dân, cần đảm bảo an toàn về dịch bệnh cho người dân, kể cả lực lượng tham gia phòng chống dịch”, ông Hoài nói.
Theo Tổng cục trưởng Phòng chống Thiên tai, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, với 16 loại hình thiên tai, 186 trận dông, lốc, mưa lớn… Năm 2020 mức độ hạn hán, xâm mặn nặng nề hơn so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Trong nửa đầu năm nay, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế gần 3.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo cơ quan Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay cả nước sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn đổ bộ vào đất liền.
“Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy, sau những đợt hạn nặng, sẽ xuất hiện những đợt đại hồng thủy, như những trận lũ, ngập lụt lịch sử năm 1964, năm 1999 ở miền Trung, năm 1971 ở miền Bắc…”, ông Hoài nhận định.
Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho biết, hiện cơ quan này đang rà soát kịch bản, phương án ứng phó, nhất là hoàn thiện việc xây dựng đội xung kích cấp xã trong năm 2020 trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở khu vực vùng núi.
“Khi xảy ra mưa lũ, sạt lở, thường gây chia cắt, lúc đó lực lượng ở huyện, tỉnh, Trung ương tiếp cận đến thôn bản rất khó khăn và thường bị trễ. Do vậy, có lực lượng xung kích ở cơ sở, sẽ có vai trò hỗ trợ giờ đầu cho người dân tại chỗ”, ông Hoài nói.
Phạm Anh/TPO