Việt Nam từng khiến Mỹ hoảng sợ và TG ngạc nhiên, nhưng Iraq thì không

30/12/2020 16:00

Ba mươi năm trước, vào ngày 17/1/1991 tại vùng vịnh Péc-Xích đã xảy ra cuộc chiến tranh có một không hai trong lịch sử thế giới: Một nước chống lại 30 nước!

Bài 1 – Chiến tranh vùng Vịnh: Có một không hai trong lịch sử TG – Những bài học kinh nghiệm quý báu với QĐND Việt Nam

Cuộc chiến lớn nhất Trung Đông

Các nước Hồi giáo luôn có trào lưu bài Mỹ và phương Tây nhưng trong nội bộ họ vốn chia rẽ sâu sắc và các phe nhóm thường xuyên xung đột với nhau.

Điển hình là cuộc chiến tranh khốc liệt giữa 2 nước Hồi giáo láng giềng Iran và Iraq kéo dài 8 năm (1980-88) với thương vong khoảng nửa triệu người phía Iraq và 1 triệu người phía Iran cùng thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi bên, chẳng những bất phân thắng bại mà mâu thuẫn giữa họ lại càng nặng nề hơn.

Các nước phương Tây thờ ơ vì người Hồi giáo đánh nhau thì họ bớt phải lo lắng mà lại có thể bán được nhiều vũ khí hơn…

Vừa ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của này, giới lãnh đạo Iraq lại tiếp tục phạm sai lầm khi tuyên bố Cô-oét (Kuwait) là lãnh thổ cũ của mình, đưa quân sang chiếm đóng và tuyên bố sát nhập Cô-oét vào Iraq từ tháng 8/1990.

Sự kiện này đã gây ra phản ứng mạnh trong cộng đồng Hồi giáo và thế giới, dẫn đến cả Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Ả-rập đều ra tuyên bố phản đối xâm lược và yêu cầu Iraq phải rút quân…

Thế là súng lại nổ, và lần này là cuộc chiến lớn nhất Trung Đông về quy mô lực lượng, chủng loại vũ khí hiện đại và công nghệ cao… của Liên quân 30 nước do Mỹ dẫn đầu với cái tên gọi ấn tượng “Chiến dịch Bão táp sa mạc”.

Đây là kiểu chiến tranh quy ước rất hợp gu các chính khách và giới quân sự phương Tây, được thực hiện không thể bài bản hơn với kết quả như mơ của các tướng lĩnh cầm quân: thắng lớn trong thời gian rất ngắn mà thiệt hại lại rất nhỏ, cụ thể Mỹ chỉ mất dưới 200 quân trong toàn cuộc chiến, còn ít hơn 1 trận đánh ở Việt Nam.

Việt Nam từng khiến Mỹ hoảng sợ và TG ngạc nhiên, nhưng Iraq thì không như vậy: Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 2.
Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Là quốc gia nhiều dầu mỏ (đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng, chỉ sau Saudi Arabia) nên Iraq có nguồn tài chính khá dồi dào, với dân số khoảng 19 triệu (1990) thì Iraq đã duy trì đội quân lớn tới hơn 1 triệu người với trang bị hùng hậu: 5.500 xe tăng và thiết giáp, 3.500 pháo lớn, 2.700 tên lửa mặt đất, 690 máy bay các loại cùng hàng trăm tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK)…

Tướng lĩnh Iraq cho rằng với lực lượng như vậy và địa hình hiểm trở, nhiều sa mạc thì đối phương sẽ không thể dễ dàng chiến thắng được họ.

Tổng thống Saddam Hussein kêu gọi và hy vọng dùng “thánh chiến toàn dân” để làm Mỹ và Liên quân xa lầy như ở Việt Nam, nhưng vốn không có truyền thống và kinh nghiệm này nên người Iraq đã không thể thực hiện được kiểu chiến tranh nhân dân như Việt Nam, chưa kể đến việc đưa đất nước vào các cuộc chiến tranh kéo dài trong điều kiện quốc tế bất lợi sẽ là gánh nặng với hậu quả khôn lường.

Đối đầu với Iraq là lực lượng Liên quân với khoảng 660.000 quân, trong đó chủ lực là hơn 500.000 quân Mỹ với 3.000 xe tăng và 7.500 thiết giáp, 7 tàu sân bay, 1.400 máy bay chiến đấu các loại (trong đó có 60 chiếc B-52, 44 chiếc F-117 loại máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới) và 1.700 trực thăng…

Các nước khác đóng góp hơn 150.000 quân với 300 máy bay chiến đấu, hơn 800 xe tăng và 2 tàu sân bay…

Liên quân thắng lớn

Chiến tranh chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn: 42 ngày, trong đó 38 ngày đầu là cuộc chiến bằng không quân (KQ) “làm mềm chiến trường” với đòn phủ đầu cực kỳ dữ dội nổ ra vào thời diểm 3h sáng ngày 17/1.

Khai hỏa chiến dịch là cuộc tập kích ồ ạt của tên lửa hành trình (TLHT) Tomahawk BGM-109 từ tàu chiến và tàu ngầm với hơn 100 quả trong ngày đầu, đồng thời máy bay tàng hình F-117 cũng lần đầu xung trận và ném quả bom đầu tiên xuống Thủ đô Bát-đa.

Việt Nam từng khiến Mỹ hoảng sợ và TG ngạc nhiên, nhưng Iraq thì không như vậy: Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 4.
Chiến đấu cơ liên quân trong chiến tranh Vùng Vịnh.

Ngay hôm sau, B-52 cũng lập tức ra quân và lần đầu tiên đã phóng hàng chục TLHT kiểu mới AGM-86 từ ngoài vùng hỏa lực PK của Iraq.

Đây là điều khác hẳn với kiểu chiến tranh “leo thang” ở Việt Nam trước kia: ngay từ đầu Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí mạnh nhất và tối tân nhất đánh thẳng vào đầu não Thủ đô của đối phương, gây sốc mạnh cho giới lãnh đạo, tướng lĩnh đến binh sĩ và cả người dân Iraq!

Máy bay Liên quân cùng phối hợp đánh phá liên tục 24/24 toàn bộ 18 tỉnh của Iraq với cường độ cực lớn: hơn 110.000 phi vụ trong toàn cuộc chiến (KQ Mỹ thực hiện 93%), cao điểm nhất tới hơn 3.000 phi vụ/ngày (so với VN cao nhất là 1.100 phi vụ/ngày) và đều nhằm vào những mục tiêu quan trọng nhất.

Đầu tiên là các hệ thống radar cảnh giới và tên lửa phòng không, căn cứ KQ để triệt hạ mối nguy hiểm đe dọa máy bay Liên quân, tiếp theo là các sở chỉ huy (SCH) và đầu mối thông tin liên lạc (TTLL), các bệ phóng tên lửa đạn đạo Scud và lực lượng hải quân, kho tàng vũ khí và hậu cần, rồi đến cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, cầu cống…

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu để đánh chặn tên lửa đạn đạo Scud của Iraq phóng vào Israel và Arab Saudi.

Quân đội Iraq bị cô lập từng mảng, các đơn vị tuyến trước bị cắt nguồn tiếp tế và không thể hỗ trợ cho nhau, thiệt hại nặng trên đường tháo chạy hỗn loạn khỏi Cô-oét.

Chỉ 4 ngày cuối, bộ binh Mỹ và Liên quân mới vào trận giải quyết chiến trường 1 cách dễ dàng với tổn thất rất nhỏ vì chỉ còn gặp sự kháng cự không đáng kể.

Với ưu thế hơn hẳn về vũ khí trang bị, đặc biệt là về KQ và vũ khí công nghệ cao (VKCNC), Mỹ và Liên quân đã nhanh chóng đè bẹp lực lượng đối phương, bao vây chia cắt và đánh tan cụm quân 25 vạn lính Iraq ở Cô-oét.

Đồng thời liên quân đã gây thiệt hại nặng nề cả về tiềm lực quân sự lẫn kinh tế của Bát-đa, tiến tới lật đổ hoàn toàn chế độ này sau đó vào năm 2003 trong 1 cuộc chiến khác.

Iraq ở vào thế mất chính nghĩa vì việc thôn tính Cô-oét không được thế giới và cộng đồng Hồi giáo ủng hộ. Rất không may nữa cho họ là khi đó Liên Xô – đồng minh cũ và nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu thì đang bị khủng hoảng nặng, sắp tan rã.

Các nước Ả-rập thì phần lớn ngả dần theo phương Tây và lo sợ bộ máy quân sự Iraq sẽ tiếp tục bành trướng gây nguy hại cho họ.

Trong chiến dịch, bộ chỉ huy Iraq đã mắc mưu nghi binh của đối phương khi tập trung lực lượng chủ lực về hướng biển chuẩn bị đối phó với cuộc đổ bộ của Liên quân, để hở sườn phía tây vì cho rằng xe tăng, thiết giáp không thể vượt qua sa mạc…

Lực lượng Liên quân được LHQ và các nước Hồi giáo trong khu vực ủng hộ, có QĐ Mỹ rất mạnh làm nòng cốt và hàng chục nước tham gia, vũ khí trang bị hiện đại hơn, ở thế chủ động về mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao…

Iraq tuy là cường quốc khu vực, có thể đấu ngang ngửa với Iran nhưng không thể đủ sức một mình chống lại Liên quân phương Tây hùng mạnh hơn mà lại đánh nhau theo “đúng kiểu của đối thủ đề ra”.

Việt Nam từng khiến Mỹ hoảng sợ và TG ngạc nhiên, nhưng Iraq thì không như vậy: Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 6.
Quân đội Iraq hứng chịu thất bại nặng nề

Việt Nam khiến KQ Mỹ hoảng sợ và TG phải ngạc nhiên: Bài học kinh nghiệm

Iraq thất bại vì nhiều nguyên nhân nhưng 2 lý do chính có thể thấy là:

1. Về chính trị: việc xâm chiếm Cô-oét là phi nghĩa nên Iraq hầu như bị cô lập hoàn toàn trên thế giới (ở LHQ, cả Liên Xô khi đó cũng bỏ phiếu chống) và ngay trong cộng đồng Hồi giáo, do đó không có bạn bè ủng hộ, giúp đỡ và tự đặt mình vào thế vô cùng bất lợi 1 chọi 30…

2. Về quân sự: Đường lối sai lầm, chỉ dựa vào QĐ chính quy và chọn cách tiến hành chiến tranh theo kiểu quy ước, trận địa chiến thụ động đúng sở trường của QĐ các nước phương Tây.

Tuy muốn làm chiến tranh nhân dân như Việt nhưng Iraq lại không có sự chuẩn bị và tổ chức từ trước để xây dựng được lực lượng vũ trang quần chúng rộng khắp trên cả nước…

Trong Chiến tranh Việt Nam, lực lượng Không quân Mỹ vừa tối tân, vừa cực mạnh và nếu ta chỉ xây dựng lực lượng phòng không (PK) chính quy thì sẽ không bao giờ đủ sức đối phó.

Nhưng chúng ta đã đồng thời xây dựng hệ thống PK nhân dân rộng lớn với sự ủng hộ và tham gia của toàn dân, vừa phòng tránh vừa đánh trả với lực lượng PK 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) – giải pháp độc đáo rất có hiệu quả để lấy yếu thắng mạnh.

Kết hợp với lực lượng phòng không (LLPK) chủ lực, LLPK tầm thấp của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ VN đã bắn rơi 1.546 máy bay các loại (36,9% tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc VN).

Phòng không Việt Nam đã xuất sắc tiêu diệt cả loại chiến đấu cơ mới nhất F-111 “cánh cụp cánh xòe” và máy bay không người lái 147J tối tân nhất lúc đó chỉ bằng vũ khí cỡ nhỏ thông thường làm KQ Mỹ hoảng sợ và thế giới phải ngạc nhiên.

Đây là ưu thế lớn nhất của loại hình chiến tranh nhân dân VN có thể đối phó và khắc chế được chiến tranh bằng KQ hiện đại với mục đích đánh nhanh, thắng nhanh kiểu phương Tây.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thụy Anh

Tags :
Đọc nhiều