Việt Nam tung chiến lược để thoát khỏi cái chết từ nhiệt điện than của Trung Quốc

Thu An 18/10/2019 11:19

Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã từng bước lan tỏa ảnh hưởng của mình ra thế giới. Với nguồn tài chính dồi dào, Bắc Kinh đã thọc sâu bàn chân vào hàng loạt các dự án kinh tế của các nước láng giềng, thậm chí sẵn sàng mở hầu bao hào phóng với chính phủ của các quốc gia từ Đông Âu tới Châu Phi. Và tất nhiên đằng sau những quả ngọt luôn là những cái bẫy rất lớn mà các nước như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan đang phải trả giá. Là một nước láng giềng cộng theo nhu cầu phát triển kinh tế không thể phủ nhận Việt Nam đang bị chi phối bởi cái bóng của gã khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta đang dần có những tín hiệu đáng mừng và những bước đi chiến lược để thoát khỏi họ.

 

Người dân quanh nhiệt điện Vĩnh Tân khốn khổ vì tro bụi
Người dân quanh nhiệt điện Vĩnh Tân khốn khổ vì tro bụi

Cho đến thời điểm hiện tại bàn tay Trung Quốc xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực của nước ta từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì những quả đắng mà chúng ta nhận từ họ cũng không phải là ít. Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng vốn được coi là xương sống của một đất nước, Việt Nam đang phải chịu sự chi phối và hậu quả nghiêm trọng từ những nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc.

Theo số liệu từ Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID – thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết, trong số nguồn tài chính đã huy động để phát triển nhiệt điện than lũy kế đến 2017 của Việt Nam, một nửa đến từ nước ngoài, trong số đó các ngân hàng của Trung Quốc áp đảo cả về số lượng lẫn giá trị cho vay, Bắc Kinh hiện đang giữ vị trí số 1 với tỷ trọng 50%. Cũng trong báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), Việt Nam là nước thứ hai sau Bangladesh về công suất nhiệt điện than được cam kết đầu tư từ Trung Quốc (13.380MW) và xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD tính đến tháng 7/2018.

Theo dữ liệu tổng hợp của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây, Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự tham gia mạnh mẽ vào điện than Việt Nam khi đều xếp vị trí đầu bảng theo số nhà máy phân theo quốc gia của tổng thầu hoặc giá trị hợp đồng EPC theo quốc gia. Các nhà thầu Trung Quốc tham gia nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam với giá trị gói thầu lên tới hàng tỷ USD như dự án Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Hải Dương, Kiên Lương hay Duyên Hải 2, Duyên Hải 3. Trước thực trạng trên, bà Melissa Brown, Chuyên gia Tư vấn tài chính năng lượng của IEEFA lo lắng cho biết, “Việc tài trợ cho các dự án nhà máy điện than khiến các quốc gia phụ thuộc vào tài trợ của Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với kết quả kinh tế tồi tệ khi toàn thế giới đang rời xa điện than”.

Tại châu Âu, 109 dự án nhà máy nhiệt điện than đã bị hủy bỏ. Tại Mỹ, 179 dự án nhiệt điện than mới đã bị ngăn chặn và 165 nhà máy đang vận hành đã ngừng hoạt động. Tương tự tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm cấp phép xây nhiệt điện than ở nhiều nơi.

Theo dự báo, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á về số ca tử vong liên quan đến khí thải từ than đá vào năm 2030. Đồ họa: CNN, Đại học Harvard/Greenpeace.

Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) từng cảnh báo, “nếu Việt Nam chọn con đường phát triển nhiệt điện than, tình trạng ô nhiễm không khí độc hại vốn đã bao trùm các thành phố sẽ trở nên tồi tệ hơn, buộc chúng ta phải sống như những công dân hạng hai trong nhiều thập kỷ tới”.

Và cho tới thời điểm hiện nay điều đó đã phần nào thành hiện thực khi thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có độ ô nhiễm không khí cao nhất trong vòng 5 năm qua, đáng sợ hơn là người dân quanh khu vực nhiệt điện than có bàn tay Trung Quốc đang chết dần khiến họ mất niềm tin rất lớn vào chính quyền. Vụ bạo loạn của người dân Bình Thuận do nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân vào hồi tháng 6/2018 là một ví dụ điển hình. Sự xuất hiện của nhiệt điện khiến dân vùng có nó không chỉ vật vờ. Họ lần mòn chết, theo nghĩa đen, với bệnh tật bủa vây và ô nhiễm ảnh hưởng đến các ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lẫn nông nghiệp.

Tháng 9/2015, tại hội thảo “Than – Nhiệt điện than: Những điều chưa biết” do GreenID tổ chức, nhóm nghiên cứu Đại học Harvard dẫn báo cáo cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cho biết qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Trong khi đó, tổng mức đầu tư cho tất cả các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam là gần 90 tỷ USD. Hiện Việt Nam đã huy động được một nửa số vốn đầu tư trong thời gian qua. Khi Việt Nam huy động thêm hơn 46 tỷ USD nữa để hoàn thành kế hoạch phát triển nhiệt điện than từ nay tới năm 2030, con số 4.300 người sẽ tăng lên gấp gần 6 lần, 25.000 người/năm.

Gần 90 tỷ USD vốn nợ, cùng hàng nghìn người thiệt mạng mỗi năm và nguy cơ xâm nhập, can thiệp sâu của chính quyền Trung Quốc vào đời sống kinh tế, xã hội, chính trị Việt Nam, là những điều đang dần hiện hữu, theo bản Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Hợp tác an ninh năng lượng giữa Mỹ và Việt Nam được kí kết

Để giải quyết bài toán đó, mới đây Việt Nam đã thực hiện bước đi chiến lược đó chính là thực hiện kí kết hàng loạt các hợp tác an ninh năng lượng trong chuyến làm việc của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Mỹ vào hồi đầu tháng 10 vừa qua. Với tham vọng thay thế dần nhiệt điện than của Trung Quốc bằng nguồn năng lượng khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ, một loạt các thỏa thuận đã được ký kết. Trong đó nổi bật nhất là việc, Việt Nam đã cấp phép cho công ty AES Corporation của Mỹ xây dựng nhà máy điện sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ 2 công suất 2,2 GW trị giá 5 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận.

Với chiến lược năng lượng mới cùng những bước đi rõ ràng, tin rằng những nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc sẽ dần được xóa sổ khỏi lãnh thổ của nước ta.

Thu An

Đọc nhiều