Việt Nam lần thứ 2 trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, bất chấp nhiều thách thức

Hà Nhiên 12/10/2022 08:03

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã bỏ phiếu bầu các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025 và Việt Nam lần thứ 2 trúng cử.

Đoàn Việt Nam nhận tin vui về kết quả bỏ phiếu.

Ngày 11/10, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong quá trình Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Theo đó, khó khăn trong bầu cử đối với Việt Nam là rất nhiều, với số lượng ứng cử viên quá đông, riêng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có tới 7 nước tham gia ứng cử. Quyền con người là một trong ba trụ cột của LHQ gồm hòa bình, phát triển và quyền con người, và Hội đồng Nhân quyền là cơ quan chính của LHQ để triển khai đường hướng về vấn đề quyền con người. Chính vì vậy các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này.

Khó khăn thứ hai là Việt Nam tham gia muộn nhất trong các nước tham gia ứng cử, cũng như trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 không có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, và công tác vận động chỉ được triển khai từ đầu năm 2022.

Khó khăn thứ ba là cách tiếp cận trong vấn đề quyền con người giữa các nước có nhiều khác biệt, và phải đi tìm mẫu số chung để các nước chấp nhận được, để các nước thấy rằng Việt Nam đóng góp được vào nỗ lực chung.

Dù khó khăn, thách thức như vậy, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, Việt Nam là ứng cử viên được 10 quốc gia ASEAN ủng hộ và là ứng cử viên duy nhất của khu vực. Qua đó, có thể thấy rõ vai trò đoàn kết, vai trò nhất trí của ASEAN là hết sức quan trọng.

Những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ LHQ từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của HĐNQ, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của HĐNQ trên những vấn đề còn khác biệt ví dụ như về quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ HĐNQ giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên Hợp Quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm HĐNQ hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Các nội dung trên tiếp tục nằm trong các ưu tiên, định hướng cho tham gia của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, như thể hiện trong các Cam kết tự nguyện khi ứng cử mà Việt Nam gửi tới Liên Hợp Quốc theo quy định của Đại hội đồng.

Tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng về quyền con người

Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành.

Hà Nhiên 

Đọc nhiều