Việt Nam trong dòng chảy phát triển của ASEAN

Công Luân 08/08/2023 15:19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể tự mình đơn độc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Chính vì thế, đại diện Việt Nam tham dự AIPA-44, Chủ tịch Vương Đình Huệ một lần nữa tái khẳng định sự đoàn kết, gắn bó và tương hỗ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp ASEAN thành công và trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất AIPA- 44

Có thể nói rằng trước những diễn biến phức tạp và đầy thách thức của chính trị, kinh tế thì ASEAN là một trong những cộng đồng phát phát triển ổn định, đoàn kết và hòa bình nhất. Trong hành trình phát triển của ASEAN, các Quốc hội, Nghị viện của ASEAN với vai trò là những nhà lập pháp đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN. AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN; đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân.

Chính vì thế, trải qua 56 năm hình thành và phát triển, bước vào năm thứ 7 trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.

Kể từ khi trở thành thành viên của AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam đã ba lần là nước chủ nhà Đại hội đồng AIPO/AIPA. Trong lần chủ nhà Đại hội đồng đầu tiên (AIPO 23) được tổ chức vào năm 2002, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập AIPO, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất tới 20/33 nghị quyết được thông qua, nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của Đại hội đồng. Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO -23 đã tạo “dấu ấn Việt Nam” sâu đậm trong lịch sử AIPO và trong lòng bạn bè quốc tế. Đây cũng là đóng góp lớn của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nghị viện ở khu vực, góp phần củng cố khối đoàn kết trong ASEAN và góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đại hội đồng thứ hai (AIPA 31) vào năm 2010 với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN” đã thể hiện tầm nhìn của Quốc hội Việt Nam đối với các hoạt động hợp tác nghị viện hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững trong ASEAN. Thành công của Đại hội đồng khẳng định tiếng nói ngày càng quan trọng của AIPA với các hoạt động của ASEAN, hỗ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời, đánh dấu một bước tiến mới trong thúc đẩy hợp tác AIPA – ASEAN vì mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Năm 2020, Việt Nam lần thứ ba là nước chủ nhà Đại hội đồng AIPA, và đây là kỳ Đại hội đồng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại Kỳ AIPA đó, đại diện Quốc hội các nước đã đánh giá cao năng lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức kỳ Đại hội đồng, nêu rõ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, sự chuẩn bị xuất sắc, chuyên nghiệp của các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội đã góp phần tạo nên thành công của kỳ Đại hội đồng quan trọng này. Các đại diện lãnh đạo các nước bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ những kết quả tốt đẹp của Đại hội đồng góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hiện có giữa các Nghị viện thành viên AIPA cũng như sự hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA với ASEAN, đưa Cộng đồng ASEAN lên một tầm cao mới.

Tại phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gây ấn tượng mạnh khi đề xuất 5 vấn đề quan trọng, đó là cần tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN; tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận với lập trường, quan điểm chung của ASEAN, theo “phương cách ASEAN”; kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.

Điều mà Việt Nam nhấn mạnh trong bất cứ một hội nghị nào đó là sự hòa bình, hướng tới hòa bình, chỉ có hòa bình mới phát triển. Và Việt Nam đã và đang làm rất tốt lời kêu gọi đó. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên một cộng đồng ASEAN bền vững và phát triển.

Công Luân

Đọc nhiều