Việt Nam trong bức tranh lao động toàn cầu
Triển vọng thị trường lao động toàn cầu trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây và theo xu hướng hiện tại, vị trí việc làm sẽ giảm và tăng trưởng việc làm toàn cầu sẽ xấu đi đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2022. Đây là cảnh báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nêu trong thông cáo báo chí thế giới việc làm (ILO Monitor on the World of Work) ngày 31/10.
Ảm đạm bức tranh lao động toàn cầu
ILO cho biết đã có dữ liệu cho thấy thị trường lao động đang suy thoái mạnh; điều kiện thị trường lao động ngày càng xấu đi đang ảnh hưởng đến cả việc tạo việc làm và chất lượng việc làm. Theo ILO, một loạt khủng hoảng chồng chéo, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine và các tác động tiêu cực sau đó, đã và đang tác động sâu sắc đến thế giới việc làm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức 3,7% trong tháng 10/2022, dù rằng các chủ doanh nghiệp tại Mỹ đã tuyển dụng nhiều lao động hơn dự báo.
Thị trường lao động ở một nền kinh tế lớn khác của thế giới là Trung Quốc cũng khá ảm đạm. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố đã tăng lên 5,5%. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên 16-24 tuổi tăng đến mức cao nhất là 15,3%. Những tỉ lệ này cho thấy, thách thức về thiếu hụt việc làm cũng như sức ép trên thị trường việc làm Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Tương tự như ở các nền kinh tế trên, thị trường lao động ở nhiều quốc tại tại khu vực châu Phi, châu Á cũng không mấy sáng sủa khi phải ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục.
Các nhà kinh tế đang điều chỉnh dự báo thất nghiệp năm 2023 đối với hầu hết các nước phát triển. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm trong năm 2023 được dự báo là 4,2%, tăng so với mức 3,5% được dự báo vào tháng 2.
Với Đức, các nhà kinh tế dự báo đã điều chỉnh tăng dự báo thất nghiệp năm 2023 của Đức thêm 0,6 điểm phần trăm, lên 5,5 %. Điều này đã góp phần đẩy tăng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone lên mức trên 7% trong năm tới.
Tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 đã được điều chỉnh lên 4,5%, tăng so với mức 4,1% dự báo hồi tháng 2, ngay cả trước khi Chính phủ Anh công bố gói cắt giảm thuế 45 tỉ bảng Anh (hơn 55 tỉ USD), khiến các kỳ vọng tăng lãi suất tăng lên và có thể dẫn đến một cơn suy thoái sâu hơn.
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2023 ở New Zealand, Úc và Canada cũng nhích lên so với vài tháng trước, khi lãi suất tăng và rủi ro suy thoái gia tăng. Các dự báo tỷ lệ thất nghiệp cũng được điều chỉnh tăng ở tất cả các thị trường được theo dõi bởi Consensus Economics, bao gồm Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản.
Bức tranh thị trường lao động Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ
Có thể thấy, bức tranh lao động toàn cầu năm 2022 vẫn chưa thoát khỏi những gam màu tối, thị trường lao động toàn cầu sẽ phải vật lộn để phục hồi và duy trì ổn định. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đến cuối tháng 11 cũng cho thấy, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, gia dày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Trước thực trạng nêu trên, để ngăn ngừa thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Trong đó, công tác được đặc biệt chú trọng là phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Điển hình, đến hết tháng 11/2022, Thủ đô đã giải quyết việc làm cho 195.468/160.000 người lao động, đạt 122,1% kế hoạch năm (vượt 22,1% kế hoạch năm), tăng 32.850 người lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 72,2%.
Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đang tăng cường khảo sát, nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết cung cầu trên thị trường lao động để tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại Sàn giao dịch việc làm, qua đó, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động.
Diệu Hương