Việt Nam trở thành điểm sáng cho nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn
“Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới”; “Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong công tác kiểm soát đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia Châu Á và nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm qua” là những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bất chấp dịch COVID-19
“Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định.
Theo JETRO, có rất nhiều lý do của sự dịch chuyển này, trong đó có quy mô dân số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khiến thị trường Việt Nam được đánh giá là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ. Cùng với đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất khu vực, khiến quy mô GDP ngày càng lớn. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, như: AEON; Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi…
Ông Torben Minko – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: “Rõ ràng những kết quả chống dịch của Việt Nam đang tạo niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp châu Âu trong bối cảnh hoạt động sản xuất các khu công nghiệp được duy trì, hạn chế người lao động mất việc, chuỗi cung ứng được đảm bảo. Theo báo cáo về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham, quý I năm nay đạt 73,9 %. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận cái từ quý III.2019, thời điểm trước đại dịch”.
Theo EuroCham, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021 và kết quả này cũng được phản ánh qua niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu. Khi được hỏi về triển vọng của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý tới, 67% dự đoán là “xuất sắc” hoặc “tốt” – tăng 12% so với quý trước.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, kết quả BCI quý I/2021 một lần nữa khẳng định rằng, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của COVID-19, Việt Nam có thể đảm bảo rằng các công ty ở đây có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp Châu Âu.
“Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thành viên EuroCham đều tích cực về tương lai của chính công ty họ và lạc quan về triển vọng môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Chỉ số BCI hiện đã tăng trở lại mức trước khi có COVID – đây là một thành tựu đáng kể và là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu song song là vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Alain Cany nhận định.
Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá: “Chúng tôi tin rằng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong trung hạn sẽ duy trì mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong công tác kiểm soát đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91%, mặc dù thấp nhất trong gần 30 năm, nhưng đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia châu Á và nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm qua”.
Mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Ông Đỗ Nhật Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: “Các bộ các ngành các địa phương đã rất nỗ lực để có những biện pháp phòng chống COVID-19 nhưng vẫn hỗ trợ các nhà đầu tư, chỉ khoanh lại một số khu vực nào đó thôi nhưng vẫn hỗ trợ việc sản xuất đầu tư chuyển máy móc thiết bị sang địa phương khác khu công nghiệp khác ngoài vùng dịch để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất”.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20.5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đổ vào Việt Nam đạt gần 14 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng tính đến 20.5, lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,15 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy những chính sách linh hoạt của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đã phát huy tác dụng.
Việt Nam đang được xem là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Điển hình Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU…
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia (do Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings xếp hạng).
Thế nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên “Tích cực”.
Tổ chức S&P đánh giá rằng, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch trong nước.
Đồng thời, Việt Nam có vị thế điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở để tổ chức S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta và cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế-xã hội.