Việt Nam tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên Mỹ – ASEAN ở gần Cà Mau

03/09/2019 15:18

Cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 2/9/2019, ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam.

Tin cho hay cuộc tập trận kéo dài năm ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ, hãng tin Nhật Bản Kyodo News Service tường thuật.

Phía Mỹ theo kế hoạch sẽ đưa Đội tàu Khu trục 7, thuộc Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ, tham gia.

Cuộc tập trận bắt đầu ở căn cứ hải quân Sattahip, tỉnh Chonburi của Thái Lan và sẽ để kết thúc ở Singapore, cCác chiến hạm của Hoa Kỳ và ASEAN “sẽ lập lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp” (combined task force) cho cuộc diễn tập ở Mũi Cà Mau của Việt Nam, theo báo Thái Lan.

USS Montgomery (LCS 8)
USS Montgomery (LCS 8)

Theo tờ Bangkok Post (02/09/2019), Hoa Kỳ cử các tàu USS Montgomery (LCS 8), USS Wayne E. Meyer (DDG 108), ba trực thăng MH-60, một phi cơ P-8 Poseidon và một số đơn vị khác tham gia tập trận.

Khu trục hạm Wayne E. Meyer là chiếc tàu Mỹ gần đây đã áp sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông, nơi tàu Hải Dương 8 từng vào tiếp liệu.

Khu trục hạm Wayne E. Meyer
Khu trục hạm Wayne E. Meyer

Phía ASEAN có các tàu KDB Darulaman của Brunei, KDB Ramon Alcaraz của Philippines, RSS Tenacious của Singapore, UMS Kyan Sittha của Myanmar và HTMS Krabi của Thái Lan.

Tàu hộ vệ của Hải quân Việt Nam đã rời cảng vào trưa ngày 1/9 để bắt đầu chính thức tham gia cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN diễn ra từ ngày 2 đến 6 tháng 9 tới đây ở khu vực Vịnh Thái Lan và vùng biển phía Nam mũi Cà Mau. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/9.

Trong cuộc diễn tập lần này, tàu của Việt Nam nằm trong tốp chiến thuật 3, tham gia hoạt động huấn luyện trinh sát trên biển, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện hành quân đêm và cảnh giới cho các tàu nước khác thực hiện khoa mục kiểm tra tàu nghi vấn.

Tàu hộ vệ săn ngầm của Hải quân Việt Nam
Tàu hộ vệ săn ngầm của Hải quân Việt Nam

Trang Stars and Stripes dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết có 7 nước đã xác nhận sẽ gửi tàu tham gia cuộc diễn tập lần này, bao gồm Mỹ, Singapore, Brunei, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và cái tên vô cùng mới: Myanmar. Các nước còn lại sẽ cử sĩ quan tham gia với tư cách quan sát viên.

Tàu hộ vệ săn ngầm Pohang trong đội hình trực chiến của Lữ đoàn 172
Chiếc Pohang trên chính thức theo chân tàu hộ vệ tên lửa Trần Hưng Đạo về nước sau khi tham dự lễ duyệt binh trên biển ngoài khơi đảo Jeju của Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập hải quân nước bạn vào năm ngoái

Ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên của The Diplomat, nhận định dù có phần chậm trễ nhưng cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ và ASEAN là một bước tiến triển đáng ghi nhận trong quan hệ giữa hai bên.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc diễn tập lần này sẽ tập trung vào việc đối phó các vấn đề thách thức an ninh hàng hải trong khu vực. “AUMX là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa Mỹ với tất cả các thành viên ASEAN về các ưu tiên an ninh hàng hải chung trong khu vực.

Cuộc diễn tập cũng tiếp tục xu hướng tăng cường hợp tác đa phương giữa hải quân các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực mà khi các nước được nối kết với nhau sẽ là chìa khóa để ngăn chặn sự xâm lược, duy trì sự ổn định và đảm bảo quyền tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế” – Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh về mục đích cuộc diễn tập.

Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa 10 thành viên của khối ASEAN với Hoa Kỳ, và có vẻ như một phần nhằm tạo thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang có những ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, Kyodo bình luận.

Việt Nam “sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận chiều 22/8.

Tin tức xác nhận về thời gian tập trận chung Mỹ-ASEAN được đưa ra vào lúc đang có căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, nằm hoàn toàn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Cuộc đối đầu “hiệp hai” tại vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu bắt đầu từ hôm 13/8, khi Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại sau ít ngày tạm rút lui về các đảo Trung Quốc xây cất nhân tạo trái phép trên Biển Đông, được cho là để tiếp liệu, và căng thẳng ngoại giao giữa hai bên hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cạnh tranh ảnh hưởng trên Biển Đông

Hồi năm ngoái, Trung Quốc và ASEAN tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển trong sáu ngày, từ 22/10, ở khu vực ngoài khơi Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Về mặt thời điểm, việc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và ASEAN đã được đưa ra bàn thảo ngay trước khi diễn ra cuộc tập trận Trạm Giang.

Tuyên bố về kế hoạch tập trận chung trong năm 2019 khi đó được coi như nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tăng cường các hoạt động quân sự của mình tại các quốc gia Đông Nam Á trong thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên Mỹ tìm cách mở rộng các hoạt động tập trận đa phương với các nước khác trong khối ASEAN.

Đây là chủ đề dã được thảo luận từ vài năm qua, kể từ thời Tổng thống Obama, trang tin The Diplomat bình luận, và đã từng có chỉ dấu cho thấy việc tập trận chung có thể diễn ra vào năm 2018.

Tuy nhiên, mọi việc cho tới năm ngoái vẫn mới chỉ nằm trên giấy, cho tới khi quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Mattis của Mỹ tại Singapore, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 12 hồi cuối 10/2018.

Trong cuộc tập trận Trạm Giang, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN tham gia cùng Trung Quốc. Có tổng số tám tàu, ba trực thăng và hơn 1.200 người tham dự, trong đó Việt Nam gửi một tàu khu trục.

Hiện chưa có thông tin chi tiết từng nước ASEAN sẽ tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ tới đây với quy mô thế nào.

Nguyễn Anh

Đọc nhiều