Quan hệ Việt Nam – Thái Lan sang trang
Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Thái Lan đồng thời tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok. Thông qua sự kiện này, hàng loạt trang báo Thái đã có bài viết cùng nhận định “Mối quan hệ Việt Nam và Thái Lan đã sang trang mới, nồng ấm và phát triển!”.
Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược
Trong buổi trò chuyện, Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí tăng cường quan hệ, ký kết năm văn kiện mở ra một chương mới, mạnh mẽ hơn trong Quan hệ Đối tác Chiến lược vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước tới quốc gia Đông Nam Á này sau 24 năm.
Thủ tướng Thái Lan và Chủ tịch nước Việt Nam đã có cuộc thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề bao trùm mọi khía cạnh của quan hệ Thái Lan – Việt Nam trong bầu không khí tin cậy, chân thành và thân mật tại Nhà Chính phủ. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước vào năm 2023 và nhất trí mở ra một chương mới của quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, là hai nền kinh tế lớn của Đông Nam Á với tiềm năng to lớn, Thái Lan và Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh của mình để phục hồi bền vững sau tác động của đại dịch COVID-19. Những nỗ lực như vậy sẽ giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế và phát triển của Tiểu vùng Mekong, trung tâm của Đông Á thịnh vượng.
Theo trang The Star, Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tám tại Việt Nam, với tổng giá trị hơn 13 tỷ USD tính đến năm 2021.Thái Lan cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Asean với kim ngạch 19 tỷ USD năm 2021. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 670 dự án có tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ và bảo vệ đầy đủ các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Prayut hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Việt Nam đến Thái Lan và bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn vào Thái Lan, cũng như tăng cường hợp tác kinh doanh giữa Thái Lan và Việt Nam.
Chiến lược “Ba kết nối”
Trong thời gian tới, hai nhà lãnh đạo bày tỏ cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế Thái Lan – Việt Nam thông qua chiến lược “Ba kết nối”, đó là (1) Kết nối chuỗi cung ứng bổ sung của hai nước; (2) Kết nối kinh tế cơ sở của hai nước, đặc biệt là MSMEs và doanh nghiệp địa phương; và (3) Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững giữa Mô hình Kinh tế Tuần hoàn Sinh học Xanh (BCG) của Thái Lan và Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam.
Nhận định về chuyến thăm của ông Phúc, ông Weerasak Kowsurat, Thượng nghị sĩ, nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho rằng: “Có nhiều lĩnh vực hợp tác chung giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan gồm nghiên cứu nền kinh tế đa dạng sinh học ở vùng hạ nguồn sông Mekong, phát triển ngành ngư nghiệp, bảo vệ đại dương, phát triển du lịch, phát triển kết nối đường bộ và tàu hỏa, bảo vệ đời sống hoang dã, chương trình nhân giống cá, sản xuất phân bón… Người Thái Lan rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Và nền hợp tác song phương có thể giúp Việt Nam trở thành một phần mang tính cạnh tranh và bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Về hợp tác tiểu vùng và khu vực, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp lập trường trong các vấn đề cùng quan tâm, các thách thức hiện tại và tương lai trong các khuôn khổ tiểu vùng, khu vực và đa phương. Hai bên sẽ tiếp tục phát huy tính thống nhất, vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN trong giải quyết các thách thức như Myanmar, Biển Đông và tác động từ các thách thức địa chính trị hiện nay.
Tuệ Ngô