Việt Nam tăng trưởng nhiệt điện than nhanh nhất khu vực
Một bài báo trên Nikkei Asian Review hôm nay (13.1) dẫn báo cáo Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, quốc gia dẫn đầu nhu cầu tiêu thụ than khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam.
Theo bài báo, mặc dù sản xuất điện tái tạo dự kiến tăng mạnh tại khu vực châu Á, nhưng nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đang “làm hỏng” nỗ lực giảm điện than của EU.
Báo cáo cho thấy, công suất phát điện gió dự kiến tại Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2024, sản lượng điện mặt trời cũng được dự báo sẽ tăng 4 lần so với cùng kỳ. Song nhu cầu tiêu thụ than tại quốc gia này cũng cực lớn, tăng 4,6% mỗi năm từ nay đến 2024. Song song đó, nhu cầu than của khu vực Đông Nam Á cũng được dự báo tăng 5% mỗi năm và dẫn đầu là Indonesia và Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo nhận mạnh, chính Trung Quốc sẽ là quốc gia quyết định cho tương lai của điện than sau năm 2024, vì hiện quốc gia này chiếm tới một nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu. Đặc biệt, dẫn số liệu của báo cáo Cơ quan Năng lượng quốc tế, bài báo cho rằng, Trung Quốc sẽ có nhu cầu tiêu thu than tăng mạnh vào năm 2022, nhưng sau đó giảm chậm lại. Cũng trong xu hướng sử dụng năng lượng sạch, nhưng Nhật Bản bị chỉ trích vì thiếu cam kết trong việc giảm các nhà máy nhiệt điện than tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2019. Bài báo trên Nikkei thông tin cả 3 tập đoàn tài chính của Nhật là Mizuho, Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui được cho là đã cung cấp khoản vay 39,3 tỉ USD cho lĩnh vực điện than từ năm 2017 đến quý 3/2019. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy các tổ chức tài chính Trung Quốc như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Tập đoàn bảo hiểm Ping An và CITIC cũng đã bảo lãnh cho các nhà đầu tư phát triển than.
Đặc biệt, Công ty thương mại Sumitomo Corp cho biết họ muốn giảm công suất sản xuất điện than xuống 30% từ 50% nhưng chính doanh nghiệp này lại đã khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than 1.320 megawatt tại Việt Nam, hoàn thành vào năm 2009. Dự án nhiệt điện này cũng được tài trợ bởi Mizuho, MUFG và SMFG. “Dự án là cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện tại Việt Nam”, người phát ngôn của Sumitomo cho biết. Sumitomo cũng đang xây dựng xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Indonesia.
Tại Việt Nam, các liên minh tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền – sức khỏe – môi trường – năng lượng – pháp lý (các liên minh) mới đây đã ra “Tuyên bố Hà Nội về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trên lãnh thổ Việt Nam”. Theo đó, có 14 dự án nhà máy nhiệt điện đang được đề xuất ngưng thực hiện. Gồm: nhà máy nhiệt điện Long An 1, Long An 2 (Long An), nhà máy Quảng Ninh 3, Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh), nhà máy Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang); 2 nhà máy ở Quỳnh Lập, Quỳnh Lập 2 (Nghệ An), Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), dự án An Khánh (Bắc Giang), nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) đã trì hoãn 8 năm; 2 dự án Long Phú 2, Long Phú 3 ở địa phương này chưa tìm được nhà đầu tư. Tổng công suất điện dự kiến của 14 nhà máy được đề xuất ngưng là 17.390 MW.
Nguyên Nga/TN