Mới đây, chuyên gia James Pomeroy của HSBC đã công bố nghiên cứu “Báo cáo Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030”, với đánh giá lạc quan về tốc độ gia tăng thu nhập của người dân các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Dựa trên các kịch bản đã đặt ra trong báo cáo, đến năm 2030, sẽ có khoảng 48 triệu người Việt (khoảng 50% dân số) có thu nhập trên 20 USD/ngày. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ vào nhóm các nước có thu nhập cao theo chuẩn Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo báo cáo của HSBC, tại Đông Nam Á, số người dân có thu nhập trên 20 USD/ngày của Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan. Đến năm 2030, sẽ có khoảng 48 triệu người Việt (tức khoảng 50% dân số) có thu nhập trên 20 USD/ngày, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011).
Mức thu nhập này gấp hơn 3 lần thu nhập bình quân người Việt theo thống kê năm 2021. Như vậy, vào cuối thập niên này, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan qua Thái Lan (với khoảng 38 triệu người đạt mức thu nhập nói trên).
Ở Philippines và Malaysia, con số này lần lượt là 43 triệu người và 20 triệu người. Tại châu Á, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh nhất về dân số kiếm được hơn 20 USD một ngày tính theo PPP không đổi. Các quốc gia khác cũng được xếp vào nhóm này là Bangladesh, Ấn Độ, Philippines và Indonesia.
Theo nghiên cứu, tầng lớp trung lưu cao ở Việt Nam (thu nhập từ 50 – 110 USD mỗi ngày) sẽ tăng trung bình 17% mỗi năm cho đến 2030.
Tất cả những yếu tố trên sẽ khiến mức tăng trưởng chi tiêu của thị trường Việt Nam chạm mốc gần 8% mỗi năm trong thập niên này.
Theo ông James Pomeroy, khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ có nhu cầu mua sắm thay đổi. Trong đó, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo giảm. Ngược lại, chi tiêu cho y tế, nghỉ ngơi và giải trí tăng lên.
Trên thực tế, hoạt động thương mại và dịch vụ Việt Nam trong tháng 8 đã phục hồi ở tất cả các ngành, với mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, báo cáo cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với các dự báo lạc quan.
Kịch bản 1, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.
Phương án 2, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD.
Theo cả 2 kịch bản tăng trưởng này, đến năm 2040, Việt Nam sẽ vào nhóm các nước có thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, đến năm 2025, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á với GDP 571,1 tỉ đô la Mỹ, xếp sau Indonesia (1.628,9 tỉ USD) và Thái Lan (632,4 tỉ USD).
Khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Malaysia (556,2 tỉ USD), Philippines (523,5 tỉ USD) và cả Singapore (496,8 tỉ USD).
Hồi năm 2019, Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và đến năm 2029 sẽ vượt qua Singapore về quy mô. Như vậy, Việt Nam có thể chỉ mất 6 năm, thay vì 10 năm, để làm được điều này.
Các nền kinh tế lớn, đang phát triển hiện nay đều bộc lộ nhiều bất cập về kinh tế vĩ mô, dần đi đến bão hòa. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền kinh tế trẻ nên sớm muộn các hoạt động sản xuất sẽ dịch chuyển qua khu vực này.
Việt Nam lại sở hữu vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư. Nếu những chính sách điều hành vĩ mô duy trì được sự linh hoạt, hiệu quả như thời gian qua thì Việt Nam hoàn toàn hiện thực hoá các dự báo nói trên.
Theo Fitch Ratings, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn FDI vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch quốc tế đang dần nối lại từ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng năm 2022 đạt 371,1 tỉ USD, tăng 16,4%, cho thấy sự phục hồi kinh tế ấn tượng.
Tuy kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Đó là sự đóng góp của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế. Khối doanh nghiệp FDI vẫn là lực lượng xuất khẩu hàng hóa chủ yếu, đóng góp hơn 70% kết quả xuất khẩu.
Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả nhờ các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và lợi thế giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất gia công, lắp ráp duy trì ở mức thấp, chứ chưa dựa vào nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước.
Vì vậy, nhìn nhận lại động lực tăng trưởng từ bên trong sẽ giúp cải thiện năng lực của Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc, rủi ro kinh tế toàn cầu đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng, gây bất ổn an ninh, chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N