Việt Nam sẽ tiếp cận máy bay BK-160 Gabriel-TP do Italy “chào hàng”?
FlightGlobal đưa tin, Blackshape – Hãng chế tạo máy bay Italy đang xúc tiến chào hàng với Không quân Việt Nam một loại máy bay mới.
Theo tạp chí FlightGlobal, hãng chế tạo máy bay Blackshape của Italy đang tìm kiếm cơ hội để chào bán dòng máy bay huấn luyện sơ cấp Gabriel-TP cho các khách hàng tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Công ty này cho biết họ đã tiến hành một số chuyến bay với chiếc Gabriel-TP được trang bị động cơ Rolls-Royce M250-B17.
Hồi tháng 2 năm nay, tại Triển lãm hàng không Singapore, Blackshape đã đưa chiếc máy bay mẫu định danh BK-160 Gabriel-TP tới trưng bày, giới thiệu với các khách thăm qua, và cho biết khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng loại động cơ cánh quạt do hãng khác chế tạo, tùy theo yêu cầu của mình.
Hãng chế tạo Italy nhấn mạnh họ đã tiến hành thảo luận sơ bộ và giới thiệu dòng máy bay huấn luyện sơ cấp này với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Indonesia. Đồng thời họ cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ và linh kiện cần thiết để lắp ráp máy bay ngay ở nước sở tại.
Blackshape đánh giá tiềm năng rất lớn tại thị trường Đông Nam Á bởi các quốc gia trong khu vực đang có nhu cầu thay thế các máy bay đã cũ. Ngoài nhiệm vụ chính là huấn luyện phi công sơ cấp, khi cần Gabriel-TP cũng có thể mang một lượng vũ khí nhỏ, cho phép huấn luyện khoa mục tấn công mặt đất.
“Gabriel-TP có thể phục vụ đào tạo cả phi công thương mại lẫn phi công quân sự”, Blackshape cho biết.
“Khách hàng lý tưởng đối với máy bay này là những người thích bay nhanh hơn, muốn hưởng thụ cảm xúc bay cao hơn, và các trường dạy bay thì muốn một dòng máy bay tiên tiến để huấn luyện phi công với chi phí hợp lý, có phụ tùng dự trữ dồi dào và dễ dàng đặt mua cũng như có thể sản xuất ngay trong nước”.
Thành lập năm 2010, Blackshape đặt đại bản doanh ở Grottaglie miền Nam Italy và thuộc sở hữu của Tập đoàn Angel Group. Nhà phân phối cấp khu vực là Công ty Asia Security Technology có trụ sở tại Singapore.
Được biết, từ hàng chục năm nay, Không quân Việt Nam đang sử dụng dòng máy bay Yak-52 do Rumania chế tạo để đào tạo học viên phi công bay sơ cấp, sau đó nếu đủ điều kiện học viên sẽ chuyển tiếp lên học bay trên máy bay huấn luyện phản lực L-39.
Sau khi tốt nghiệp tại Trường Sĩ quan Không quân và thực hành bay thành thạo trên 2 loại máy bay Yak-52 và L-39, để trở thành phi công tiêm kích thực thụ, các học viên sẽ được phân về những đơn vị chiến đấu để tiếp tục chuyển loại lên các dòng Su-22, Su-27 hoặc Su-30MK2 có trong biên chế Không quân Việt Nam.
Hoài Nam (t.h)