436
category
570943
Việt Nam sẽ đổi chiến thuật ở AFF Cup 2020?
03/12/2021 19:54

Khi các đối thủ đã rõ về chiến thuật 3-4-3 của tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo cần phải thay đổi chiến thuật để tiếp tục giữ vững ngôi vương ở AFF Cup.

Dấu ấn 3-5-2 tại SEA Games 2019

Ý định sử dụng một hệ thống chiến thuật mới cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam đã được HLV Park lên kế hoạch từ lâu. Tại SEA Games 2019, đội U23 đã chơi một giải đấu ấn tượng khi thay đổi hệ thống chiến thuật từ 3-4-3 quen thuộc sang hệ thống 3-5-2.

Đó là giải đấu mà chiến lược gia Hàn Quốc không thể có trong tay những tiền vệ tấn công biên xuất sắc vì nhiều lí do khác nhau. Phan Văn Đức hay Nguyễn Công Phượng không thuộc lứa tuổi dự giải, còn Nguyễn Quang Hải gặp chấn thương và không thực sự tạo ra nhiều dấu ấn. Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến U23 khi ấy lựa chọn hệ thống chiến thuật gồm ba tiền vệ trung tâm, với một cầu thủ giỏi đánh chặn là Đức Chiến chơi thấp nhất, cùng cặp đôi tiền vệ trung tâm toàn diện là Hùng Dũng và Hoàng Đức.

Hùng Dũng và Hoàng Đức toả sáng trong chiến dịch SEA Games 2019 của U23 Việt Nam. Ảnh: Thành Vũ

Dấu ấn của hai cá nhân này lên tấm HC vàng của Việt Nam là không thể phủ nhận, với những bàn thắng quyết định cùng với tầm hoạt động tự do theo trục dọc sân ở hai hành lang cánh.

Thành công từ giải đấu ấy tạo thêm động lực để thay đổi cho HLV người Hàn Quốc. Sau năm 2020 ảm đạm của các sự kiện bóng đá, Việt Nam bước vào năm 2021 cùng những trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 với sự manh nha cho một ý tưởng mới về mặt chiến thuật, cũng như sự phù hợp với những cá nhân.

Phát huy sở trường của cầu thủ tấn công

Trong cả hai cuộc đối đầu tại vòng loại thứ hai World Cup – khu vực châu Á với các đối thủ cùng khu vực là Indonesia và Malaysia, Việt Nam đều đã ra sân với hệ thống chiến thuật 3-5-2, một sự thay đổi rõ rệt so với chính chúng ta tại các giải đấu trước đó.

Đội hình ra sân của Việt Nam trước Indonesia và Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Ảnh: Thành Vũ

Trên hàng tiền đạo, Tiến Linh bắt cặp cùng một cầu thủ có tốc độ và khả năng dẫn bóng tốt là Công Phượng hoặc Văn Toàn. Bộ ba Quang Hải, Hoàng Đức và Văn Đức trở thành các lựa chọn cho hai vai trò số 8 có xu hướng tấn công, trong khi Xuân Trường và Tuấn Anh là những phương án được sử dụng ở vai trò tiền vệ trụ. Có thể nói, Việt Nam bắt đầu đẩy cao được cự ly đội hình như những gì HLV Park mong muốn, khi gia tăng thêm một nhân tố ở khu vực trung lộ.

Việt Nam có những thời điểm chơi áp đặt và tạo ra thời cơ bằng khả năng kiểm soát thế trận trước các đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thành Vũ

Quan trọng hơn, với những cầu thủ đang sở hữu trong tay, hệ thống 3-5-2 dường như cho thấy sự hợp lý hơn trong vai trò của từng cá nhân. Nếu như Tiến Linh không giỏi ở khả năng tì đè và trở thành tiền đạo mục tiêu, thì anh được bắt cặp cùng một cầu thủ có xu hướng xuyên phá, để tạo ra không gian chơi bóng tốt hơn. Trong khi ở khu vực giữa sân, một vai trò toàn diện cho cả Hoàng Đức và Quang Hải có lẽ là hợp lý cho bộ đôi tiền vệ có phong độ ổn định nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Cả hai đều sẵn sàng lùi sâu để nhận bóng, nhưng cũng thoải mái khi được hoạt động ở phạm vi tấn công và tạo ra sự bùng nổ. Việc sử dụng hai tiền đạo cũng đồng nghĩa với việc khoảng trống để Quang Hải hay Hoàng Đức có thời cơ hoạt động là tốt hơn.

Sử dụng hai tiền đạo giúp Quang Hải hay Hoàng Đức có không gian để phát huy tốt khả năng hỗ trợ tấn công. Ảnh: Thành Vũ

Vẫn trên nền tảng sơ đồ ba trung vệ, nhưng hệ thống 3-5-2 phần nào giúp Việt Nam nhập trận với một tâm thế chủ động hơn và sẵn sàng có được những thời điểm áp đặt đối thủ, mà đặc biệt là những đối thủ cùng khu vực. Nhưng cùng với đó, hệ thống chiến thuật này cũng đòi hỏi hệ thống phòng ngự của Việt Nam phải có những sự bắt nhịp thật tốt, nếu hạn chế tối đa điểm yếu ở hai hành lang cánh, điều vốn dĩ là một ưu điểm lớn của hệ thống 3-4-3 khi phòng ngự.

Đó là lúc giá trị của những trận đấu trước những đối thủ hàng đầu khu vực lên tiếng. Trong suốt hành trình vừa qua, HLV Park đã có những tính toán, những điều chỉnh và những bài học kinh nghiệm được đúc rút để dần xây dựng nên một phiên bản hoàn chỉnh nhất cho hệ thống chiến thuật mới của Việt Nam.

Những điều chỉnh của HLV Park

Hành trình ra quyết định tin tưởng hệ thống 3-5-2 của HLV Park không hề đơn giản. Lấy ví dụ như trận đấu với Malaysia hồi tháng 6, Việt Nam xuất phát với sơ đồ 3-5-2, ghi bàn dẫn trước, và rồi bất ngờ chuyển về hệ thống 3-4-3 trong hiệp hai – thời điểm chứng kiến Malaysia hoàn toàn áp đảo về thế trận khi đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe lấn lướt ở khu trung tuyến. Quyết định lúc bấy giờ của HLV Park là hoàn toàn có thể được giải thích, khi sơ đồ 3-5-2 để lộ ra những điểm yếu trong khả năng phòng ngự ở hai hành lang cánh.

Việt Nam chuyển sang sơ đồ 3-4-3/5-4-1 trong hiệp 2 trận gặp Malaysia. Ảnh: Thành Vũ

Với chiến lược gia người Hàn Quốc lúc ấy, đó là một quyết định mang tính đánh đổi. 3-5-2 tạo ra một thế trận tốt hơn, nhưng mang đến nhiều rủi ro. Trong khi 3-4-3 giúp Việt Nam phòng ngự một cách nhuần nhuyễn và quen thuộc hơn, nhưng lại không mang đến khả năng kiểm soát.

Một hành trình tương tự cũng đã diễn ra trong sáu trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup. Sự cẩn trọng của HLV Park trong hai trận đấu đầu tiên trước Saudi Arabia trên sân khách và Australia trên sân nhà với sơ đồ 3-4-3/5-4-1 là hoàn toàn có thể hiểu. Sự cẩn trọng và tính toán ấy tiếp tục được đề cao trong trận đấu với Trung Quốc, trận thua đầy đáng tiếc trên đất khách. Và rồi, trước những áp lực, trước những kết quả không ấn tượng, HLV Park quyết định bước ra khỏi vùng an toàn. Ba trận đấu gần nhất với Oman, Nhật Bản và Saudi Arabia, Việt Nam đã trình diễn những bộ mặt theo hướng tích cực hơn sau mỗi trận đấu, với hệ thống chiến thuật 3-5-2.

Với thêm một tiền vệ ở tuyến giữa, Việt Nam có những thời điểm tự tin triển khai bóng trước các đối thủ mạnh. Ảnh: Thành Vũ

Không chỉ là khả năng kiểm soát bóng ở một vài thời điểm nhất định trong trận đấu, những điểm yếu trong khả năng phòng ngự cũng đã được ban huấn luyện Việt Nam chỉnh sửa tức thời cho các cầu thủ. Việt Nam phòng ngự với sơ đồ 3-5-2 ở một cường độ tốt hơn, với sự chủ động cao hơn và khả năng di chuyển đội hình ăn ý hơn từ các cầu thủ.

Khả năng phòng ngự ở biên được cải thiện khi các cầu thủ di chuyển đội hình đồng đều hơn.
Khi Việt Nam gia tăng cường độ gây áp lực và di chuyển đồng bộ, điểm yếu khi phòng ngự của sơ đồ 3-5-2 được hạn chế. Ảnh: Thành Vũ

Những kết quả tích cực chưa tới. Nhưng nếu coi sáu trận đấu vừa qua là một hành trình thử nghiệm, có thể khẳng định Việt Nam sẽ bước vào AFF Cup 2020 với một hệ thống chiến thuật đã được xây dựng với thời gian đủ dài, có được sự nhuần nhuyễn và ăn ý giữa các cầu thủ, cả ở khâu phòng ngự lẫn tấn công.

Sẽ không dễ dàng cho HLV Park và các học trò trong hành trình tại Singapore. Ở một vị thế cao hơn, các đối thủ sẽ nhập trận với một tư thế hoàn toàn khác so với giải đấu hai năm trước. Yêu cầu cho một lối chơi chủ động, áp đặt thế trận và tạo ra các cơ hội tấn công cho Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng cao hơn. Và vẫn còn đó những điểm chưa thực sự hoàn thiện trong cách vận hành hệ thống 3-5-2, đặc biệt là ở vị trí của hai cầu thủ chạy cánh, với sự tự do dâng cao khi tấn công.

Nhưng với quá trình rút kinh nghiệm, phân tích đối thủ và mổ xẻ những trận đấu trước đó của Việt Nam, HLV Park hứa hẹn sẽ tìm được phương án chiến thuật mới với nhiều sự chủ động và toàn diện hơn, trước những đối thủ cùng khu vực.

Cao Anh

Đọc nhiều