“Việt Nam sẽ đạt đỉnh cao mới trong năm Rồng”
Đối diện loạt thách thức và cơ hội đan xen, nhiều doanh nghiệp với nỗ lực không ngừng nghỉ đã khẳng định thực lực “vượt vũ môn” thời đại, sản sinh sức đề kháng trước biến động, để phục hồi và phát triển nhằm “hoá Rồng” giai đoạn tới.
Đặc biệt, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5% trong năm 2024 – năm Con Rồng. Mục tiêu này được xem là khá khả thi khi so sánh với dự báo tăng trưởng của các tổ chức kinh tế uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Kỳ vọng mạnh mẽ
Theo The Banker, Việt Nam đặt kỳ vọng vào một năm tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự gia tăng các công ty nước ngoài thành lập cơ sở sản xuất trong nước và tăng lượng khách du lịch.
Sản lượng GDP tăng 5,1% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 6–6,5% vào năm 2024, biến Việt Nam thành một trong những môi trường tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm xuất khẩu, sản xuất, du lịch và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.
Theo Khánh Vũ, Phó Giám đốc điều hành của VinaCapital Fund Management, sự phục hồi trong tăng trưởng GDP sẽ được thúc đẩy bởi xuất khẩu, sản xuất và du lịch tăng lên, cũng như sự phục hồi khiêm tốn của tiêu dùng trong nước. Sự tăng lương trong khu vực công cũng làm tăng chi tiêu trong nước vào năm 2024 so với năm 2023.
“Điều đáng khích lệ là các công ty hiện đang vay để làm vốn lưu động và chi tiêu vốn,” Vũ nói. “Cách đây một năm, họ vay với lãi suất từ 9% đến 11%, nhưng bây giờ một số người có thể vay với lãi suất 5% đến 7%. Lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay nên lãi suất cho vay có lẽ còn phải giảm xa hơn”.
Theo dự báo của hầu hết các tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu, năm 2024 vẫn sẽ mang lại nhiều thách thức và bất ổn cho nền kinh tế thế giới. Ngoài những căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và thiên tai tiếp tục ảnh hưởng, làm cho tình hình kinh tế thế giới dù có nhiều điểm sáng hơn, nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trong năm mới sẽ tiếp tục đặt đầu tư công làm động lực chính để tăng trưởng. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Môi trường kinh doanh bên ngoài vẫn yếu ớt, bao gồm cả sự hồi phục chậm chạp tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất xuất khẩu, dẫn đến sự thu hẹp trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Chakraborty cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ mạnh mẽ và dự kiến sẽ có sự khôi phục tích cực trong thời gian tới, nhờ vào tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, lạm phát kiểm soát được, tăng cường đầu tư công và cải thiện hoạt động thương mại.
Đối diện với loạt thách thức và cơ hội đan xen, nhiều doanh nghiệp nỗ lực khẳng định thực lực, sản sinh sức đề kháng trước biến động, để phục hồi và phát triển.
Năm 2024 – năm Rồng. Đây cũng được đánh giá là năm bản lề trong quan trọng chiến dịch “hoá Rồng” của Việt Nam, với mục tiêu trở thành một cường quốc hạng trung và người dân có thu nhập cao vào năm 2045. Sau một năm tìm mọi cách vượt khó khăn, vươn lên, các chính sách kỳ vọng sẽ được mở hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thể “hoá Rồng”.
Và trong bối cảnh khó khăn vẫn còn đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn kiên trì tiến bước, tìm kiếm các cơ hội bứt tốc, đặc biệt là về công nghệ, với tinh thần tự lực tự cường… chứ không có thái độ bi quan, hay yếm thế.
“Kinh tế Rồng” là những câu chuyện từ các chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý chia sẻ câu chuyện trong việc tìm ra hướng phát triển đột phá với công nghệ, vượt qua khó khăn triền miên kể cả những biến cố lớn, đón bắt cơ hội trong khủng hoảng… cùng những bài học kinh nghiệm quý giá từ quá trình đó.
“Cửa” FDI rộng mở
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 26/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Jose Fernandez, thông báo rằng khoảng 15 công ty Hoa Kỳ dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 8 tỷ USD.
Việt Nam đang leo thang vào thế giới công nghệ cao, khi các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chip và công nghệ cao đang được khuyến khích. Xuất khẩu công nghệ cao là động lực chính đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ tính theo giá trị xuất khẩu vào năm 2022.
Mặc dù chính sách “Giảm thiểu lạm phát” của Mỹ có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế Đông Nam Á khác, nhưng Việt Nam vẫn thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty muốn dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất.
Đến ngày 20/1, Việt Nam có tổng cộng 39,377 dự án đầu tư nước ngoài hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 471,9 tỷ USD. Vốn thực hiện tích lũy của các dự án này ước đạt gần 298,66 tỷ USD, tương đương khoảng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký hiệu lực.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), ông Nguyễn Văn Toàn, cho biết cơ hội thu hút FDI trong năm 2024 đang mở ra tương tự như năm 2008, khi Việt Nam mới gia nhập WTO.
Bảo Trâm