Việt Nam sắp hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn
Hình ảnh mới đăng tải về Nhà máy đóng tàu Z189 cho thấy tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn đầu tiên do Việt Nam chế tạo đã chuẩn bị hạ thủy.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 189 (Nhà máy Z189) là đơn vị trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cùng với Tổng công ty Sông Thu, đây là một trong những cơ sở lớn có hợp tác với Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan.
Nhà máy Z189 đã thi công đóng mới nhiều con tàu cỡ lớn, hiện đại theo hợp đồng với nước ngoài. Tiêu biểu có thể kể ra đây là tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore lượng giãn nước 2.400 tấn, hay bộ đôi tàu cứu hộ tàu ngầm Besant 2.100 tấn và Stoker 2.600 tấn theo hợp đồng với Hải quân Hoàng gia Australia.
Việc đóng thành công, bàn giao đúng thời hạn tàu chuyên dụng với chất lượng cao cho đối tác nước ngoài chính là tiền để để Nhà máy 189 tiến tới chế tạo những mẫu tàu tương tự phục vụ nhu cầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tại Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về công nghệ đóng tàu, hàng hải và công trình biển – Vietship 2018, một mẫu tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn do Công ty TNHH Một thành viên 189 chuẩn bị đóng cho Hải quân Việt Nam đã được chính thức giới thiệu.
Nhìn qua thiết kế bên ngoài của con tàu chuyên dụng này có thể thấy nó mang rất nhiều nét tương đồng với nguyên mẫu RGS 9316 (chính là tàu cứu hộ tàu ngầm Stoker mà Z189 đóng cho Hải quân Australia) chỉ khác là sàn đáp trực thăng được đưa ra phía trước.
Mọi thông số còn lại như chiều dài 93 m; chiều rộng 16 m; chiều cao mạn 5,85 m hoàn toàn tương đồng với RGS 9316. Việc sửa đổi thiết kế tàu RGS 9316 theo yêu cầu của riêng Việt Nam là một sáng tạo lớn, mang dấu ấn bản sắc riêng của ngành công nghiệp quốc phòng chúng ta.
Sau gần hai năm kể từ khi mô hình tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn nội địa của Việt Nam được giới thiệu tại Triển lãm Vietship 2018 thì mới đây hình ảnh thực tế của con tàu với số hiệu 927 đã xuất hiện, cho thấy nó đã chuẩn bị được hạ thủy.
Đây rõ ràng là một thành tựu lớn nữa của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đảm bảo hậu cần cũng như duy trì năng lực tác chiến cho hạm đội tàu ngầm tấn công Kilo 636.
Dự kiến trong tương lai với sự phát triển lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ có thêm ít nhất một tàu cứu hộ tàu ngầm tương tự được chế tạo và hướng đến tiếp tục xuất khẩu sản phẩm này cho nước ngoài.
Tùng Dương/Đất Việt