Việt Nam quan tâm bản xuất khẩu của ‘Đô đốc Gorshkov’?

14/07/2019 19:19

Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 22356 chính là bản thương mại của khinh hạm Đô đốc Gorshokov – Dự án 22350, Nga đã chính thức chào bán tại IDMS 2019.

Hiện tại, Việt Nam đang tích cực tìm kiếm một lớp chiến hạm mới có năng lực tác chiến cao hơn 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên đã đi vào phục vụ trong biên chế.

Từng có nhận định cho rằng chúng ta sẽ đặt mua thêm 2 chiếc Gepard 3.9 nữa với cấu hình vũ khí mạnh hơn nhưng đáng tiếc rằng thiết kế phiên bản nâng cấp vẫn chưa được Nga hoàn thiện mà mới chỉ ở dạng mô hình trình diễn.

Trước tình cảnh trên, tại hai cuộc triển lãm quân sự quốc tế là Army 2019 và đặc biệt là IDMS 2019 đã ghi nhận động thái xúc tiến của phái đoàn quân sự Việt Nam.

Viet Nam quan tam ban xuat khau cua 'Do doc Gorshkov'?
Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan khinh hạm Đô đốc Kasatonov – Dự án 22350 tại Triển lãm IMDS 2019

Truyền thông Nga mới đây đã đăng tải buổi làm việc của phái đoàn quân sự cấp cao Việt Nam sang dự Triển lãm IDMS 2019 với Tổng công ty xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga. Trong buổi làm việc, hình ảnh về tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356 đã xuất hiện, cho thấy sự quan tâm của chúng ta.

Nhưng phái đoàn Việt Nam không chỉ dành sự quan tâm tới khinh hạm Dự án 11356 mà chúng ta còn trực tiếp tham quan và đánh giá tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Kasatonov – Dự án 22350, chiếc thứ hai thuộc lớp Đô đốc Gorshkov. Tàu này được đánh giá là bản thiết kế tiên tiến hơn khi đặt cạnh Dự án 11356.

Viet Nam quan tam ban xuat khau cua 'Do doc Gorshkov'?
Mô hình khinh hạm đa năng Dự án 22356 được Nga trưng bày tại Triển lãm IDMS 2019

Khinh hạm Dự án 22356 được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt mọi mục tiêu đường không, trên và trong mặt biển của đối phương, đi kèm năng lực tấn công mặt đất rất mạnh thông qua dàn tên lửa hùng hậu.

Tàu có chiều dài 135 m; chiều rộng 16,4 m; mớn nước 4,53 m; lượng giãn nước đầy tải 4.550 tấn; tốc độ tối đa 29,5 hải lý/h; tầm hoạt động 4.500 hải lý; thời gian bám biển liên tục 30 ngày.

Nga thiết kế sẵn một số cấu hình cơ bản cho khách hàng lựa chọn, khi hệ thống điện tử có thể bao gồm radar trinh sát đường không Fregat-M2EM hoặc Fregat-MAE-3, radar điều khiển hỏa lực là Mineral-ME, hệ thống quản lý tác chiến Sigma-E22356 hoặc Trebovanie-M, đi kèm hệ thống đối kháng điện tử TK-25E hoặc KT-308-05.

Dàn vũ khí của tàu rất đáng chú ý, khách hàng có thể lựa chọn cấu hình mang 16 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont hoặc 16 tên lửa Kalibr-NKE, tuy nhiên phương án hai tỏ ra ưu việt hơn vì tổ hợp Kalibr-NKE triển khai được cả tên lửa chống ngầm và tên lửa hành trình đối đất qua bệ phóng đa năng UKSK.

Hỏa lực phòng không cũng có sẵn hai phương án đó là mang theo tổ hợp tên lửa tầm trung Shtil-1 với 36 đạn đánh chặn 9M317ME tầm xa 50 km, hoặc hệ thống Rif-M (phiên bản hải quân của S-300F nâng cấp) với 32 tên lửa 48N6E2 tầm xa 195 km, tạo ra ô phòng không cực kỳ tin cậy.

Ngoài ra trên tàu còn có 1 pháo hạm cỡ 130 mm nòng đơn cùng 2 pháo bắn nhanh cỡ 30 mm, sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu cho phép mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31.

Hai lớp khinh hạm Dự án 22356 và Dự án 11356 đều là những chiến hạm cực mạnh, nếu Việt Nam chọn bất cứ lớp tàu nào cũng sẽ đưa lực lượng hải quân lên một tầm cao mới.

(Theo Đất Việt)

Đọc nhiều