Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận trái phép quy mô lớn ở Hoàng Sa

Thành Nhân 07/08/2019 18:18

Đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hoạt động tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trả lời về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 7/8 nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”, thông cáo của Bộ Ngoại giao dẫn lời bà Hằng.

Bà cũng cho biết ngày 7/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc.

Viet Nam phan doi Trung Quoc tap tran o Hoang Sa hinh anh 1
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển. Ảnh: AP.

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 5/8 phát đi hai cảnh báo hàng hải về hoạt động “huấn luyện quân sự” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lần lượt diễn ra trong hai ngày 6-7/8.

Theo các thông báo vắn tắt, cuộc tập trận thứ nhất diễn ra trong các khung giờ 9h30-11h30 và 15h-18h ngày 6/8, trong khi cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ 15h tới 17h ngày 7/8. Tọa độ được nêu trong các thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp từ năm 1974.

Các cuộc tập trận diễn ra sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống đến khu vực bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông.

“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, bà Hằng tuyên bố ngày 19/7.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mạnh mẽ lên án hành động của tàu Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản… cũng lên tiếng chỉ trích các hành động “cưỡng ép” của Bắc Kinh tại khu vực.

Các hoạt động của Trung Quốc như diễn tập quân sự, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các thực thể trên biển… là các hành vi đi ngược luật pháp quốc tế, gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình Biển Đông, nhiều lần bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Động thái huấn luyện quân sự trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam càng khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp, vì diễn ra không lâu sau khi Việt Nam phản đối việc Bắc Kinh triển khai tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Tiêu Điểm

Đọc nhiều