Việt Nam phản đối gay gắt, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tập trận tại Biển Đông
Theo Cục Hải sự Hải Nam, từ hôm nay đến 29/8 Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự với quy mô lớn, bằng đạn thật tại Biển Đông mặc cho Việt Nam đã lên tiếng phản đối gay gắt.
Được biết, khu vực diễn ra cuộc tập trận nối liền bởi 7 điểm trên Biển Đông, có tọa độ như sau:
• 18-19.5N/11-13-5E
• 19-02.00N/112-14.5E
• 19-02.5N/112-57.0E
• 18-17.0N/113-51.5E
• 17-37.5N/113-52.0E
• 16-38.00/112-44.0
• 16-38.00N/112-20.0E
Đi kèm với tọa độ, Trung Quốc cũng đưa ra nghiêm cấm các tàu bè không được đi vào khu vực có tọa độ trên trong thời gian diễn ra diễn tập.
Cuộc tập trận này có vị trí khá gần quần đảo Pratas và eo biển Đài Loan. Như vậy, trong khoảng thời gian từ 24-29/8, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận song song tại hai vùng biển thuộc Biển Đông. Một ở đông nam Hải Nam, bao trùm một phần quần đảo Hoàng Sa và một ở nam Quảng Đông, gần eo biển Đài Loan.
Được biết, đây đã là lần thứ hai kể từ tháng 7, Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn tại Biển Đông. Trước đó, từ ngày 1-5/7, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Lần tập trận này, theo như tọa độ mà Trung Quốc đưa ra thì khu vực tập trận nằm xích hơn về phía Bắc nhưng vẫn bao trùm nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Chưa dừng lại, phạm vi tập trận lần này thậm chí còn lớn hơn cuộc tập trận lần trước: 48.850 km vuông (lần trước 45.000 km vuông).
Đây được xem là cuộc tập trận trên biển quy mô lớn thứ 3 trong tháng 8 của Hải quân Trung Quốc. Lần thứ nhất diễn ra tại Thanh Đảo kéo dài xuống đến Liên Vân Cang (phạm vi 40.000 km vuông). Lần thứ hai là 2 cuộc tập trận diễn ra ở eo biển Bột Hải, Trung Quốc.
Trước đó, ngay khi Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận đầu tháng 7 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra phản ứng mạnh, gửi công hàm phản đối Trung Quốc tập trận tại khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAn về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai”, tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng, nhà phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bảo Trâm