Việt Nam nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất dioxin
Việt Nam đang nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Ngày 8/1, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) tổ chức hội nghị tổng kết công tác giai đoạn 2010-2020.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 rà phá được khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ; tập trung hoàn thành xử lý chất độc hóa học/dioxin tại các điểm ô nhiễm đã được phát hiện (sân bay Biên Hòa, sân bay A So, sân bay Phù Cát).
Các cơ quan sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin ở những khu vực bị phun rải trong chiến tranh và các điểm nghi nhiễm khác; giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân…
Ban chỉ đạo 701 cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn. Việc nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học, sẽ được kết hợp với xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt.
“Cùng với giải quyết chế độ, chính sách, trợ giúp nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh và con cháu của họ, công tác nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh giành quyền lợi, công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng được tiếp tục tiến hành”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm qua, hơn 500.000 ha đất đã được khảo sát, rà phá bom mìn. Trong đó, hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện. Tổng nguồn lực dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 12.624 tỷ đồng.
Hiện mỗi năm Việt Nam rà phá bom mìn được khoảng 30.000-50.000 ha. Các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã xử lý xong.
Khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 73.000 con đẻ của họ đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Hoàng Thùy