Việt Nam mua hệ thống giám sát của Israel trang bị cho tàu cảnh sát biển

13/09/2020 16:45

Việt Nam vừa chọn công ty Controp của Israel làm nhà cung cấp hệ thống giám sát cho các tàu đóng mới của lực lượng cảnh sát biển, truyền thông Israel dẫn thông báo từ công ty Controp hôm 11/9.

Tàu cảnh sát biển do Việt Nam tự đóng được hạ thủy

Công ty Controp của Israel đã phát triển một hệ thống cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho các con tàu bằng cách đảm bảo khả năng quan sát liên tục ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Nó sẽ được lắp trên các tàu mới của Cảnh sát biển Việt Nam đang đóng. Cụ thể, Hợp đồng của Việt Nam với công ty Israel là hệ thống giám sát iSea-25HD. Hệ thống này được đặt trong một bộ đơn nhất dành cho tàu thuyền cỡ trung bình.

Sẽ có 12 tàu cảnh sát biển được trang bị hệ thống này, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tại Việt Nam đóng và số tàu còn lại được nhà máy L&T đóng tại Ấn Độ.

Hệ thống này có thể được sử dụng cho các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển, các hoạt động bảo vệ lãnh hải, chống cướp biển, đánh bắt bất hợp pháp, và các hoạt động đặc biệt.

Giám đốc điều hành Controp Hagai Azani nói rằng hệ thống này của công ty được phát triển đặc biệt theo nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm Controp đang được sử dụng hàng ngày trong một số dự án quan trọng với khả năng quan sát tiên tiến ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới.

Giám đốc cấp cao khu vực châu Á của Controp, Dror Harari, cho biết hệ thống giám sát iSea-25HD được phát triển trong 2,5 năm qua, với hệ thống camera cả ngày và đêm, chế độ xem trực thị (LOS) liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo hình ảnh rõ nét ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt trên biển như sương mù, độ ẩm cao, nước bắn…, cho phép tàu thuyền phát hiện được các vật thể nhỏ và tàu cá ở khoảng cách xa lên đến 10km và phát hiện các tàu lớn hơn lên đến 20 km. Thiết bị nặng 13 kg này cũng được trang bị công cụ tìm kiếm bằng laser.

“Các hệ thống này là một phần của hệ thống giám sát hoàn chỉnh mà chúng có trên tàu với radar và thông tin liên lạc cho phép kiểm soát các vùng biển kinh tế, và đây là lần đầu tiên chúng tôi bán phiên bản này cho người Việt Nam”, Defense News dẫn lời ông Harari nói, đồng thời cho biết các hệ thống giám sát mới sẽ được giao cho Việt Nam sau vài tháng.

Do có bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam cần nhiều tàu tuần tra và ngày càng đầu tư vào các hệ thống giám sát. Harari cho biết: “Hiện nay đang tăng cường đầu tư vào việc đóng thêm tàu ​​và cải tạo một số tàu bằng cách bổ sung các khả năng giám sát hoặc khả năng hiện đại này”.

Compressed by jpeg-recompress

Controp là nhà sản xuất chuyên về hệ thống giám sát và điện quang. Công ty này đã trở thành nhà cung cấp tích cực cho Việt Nam trong vài năm qua khi Việt Nam bắt đầu đầu tư vào việc nâng cấp vũ khí, thiết bị cho quân đội giữa bối cảnh căng thẳng trong khu vực Biển Đông đang ngày càng gia tăng.

Controp tạo ra một phiên bản mặt đất để sử dụng trên các trạm vũ khí từ xa. Hiện nó đang được Lực lượng Phòng vệ Israel thử nghiệm và đánh giá. Controp đã được Rafael và nhà sản xuất máy bay không người lái Aeronautics mua lại vào năm 2012, và Rafael đã mua lại Aeronautics vào năm ngoái. Công nghệ quang học điện tử của Controp đã được sử dụng trên UAV của Aeronautics và các trạm vũ khí từ xa của Rafael.

Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách hiện đại hoá quân đội, Israel đang trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho quân đội Việt Nam, chỉ sau đối tác truyền thống là Nga, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Với chi phí lên đến hàng tỷ đô la cho việc mua sắm vũ khí hiện đại từ Israel, Việt Nam cũng trở thành khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Israel trong khu vực Đông Nam Á.

Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế nói mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Israel không chỉ đơn thuần là mua bán vũ khí, mà còn phát triển theo chiều sâu thông qua các chương trình hợp tác quân sự, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại.

Nguyễn Anh

Đọc nhiều