Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc chuẩn bị lắp đặt giàn khoan lớn nhất thế giới

10/06/2021 18:12

Chiều 10.6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới và chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy, nam đảo Hải Nam.

Trả lời đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan lớn nhất thế giới “Biển sâu số 1” – giàn khoan nửa chìm nửa nổi đầu tiên trên thế giới, chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy, nam đảo Hải Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn của Bộ, cho biết, mình “chưa có thông tin cụ thể về việc này”.

Tuy vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhắc lại “lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam” là các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo /// Ảnh BNG
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo

Liên quan đến sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trên Biển Đông, phóng viên cũng dẫn thông tin do nhà nghiên cứu Zachary Haver công bố cho thấy, theo dữ liệu AIS, trong khoảng thời gian từ 4 đến 7.6, tàu mang số hiệu Benhai 09952 và tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 4301 đã xuất hiện gần nhau ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp; đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin và cho biết thêm bình luận.

Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng đỉnh chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước”, bà Hằng khẳng định.

Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền…

Cũng liên quan đến diễn biến trên Biển Đông, nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines hồi đầu tuần đến thăm đảo Thị Tứ (do quân đội nước này đang chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), khẳng định đây là một phần trong kế hoạch cải tạo đảo thành cơ sở hậu cần tại khu vực Trường Sa, bà Hằng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.

“Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, có đóng góp thiết thực và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)”, bà Hằng cho biết thêm.

Phản hồi đề nghị nêu bình luận về thông tin Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream, bà Hằng cho biết, là quốc gia láng giềng với cả Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với cả 2 nước, cũng như mong muốn quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thình vượng của khu vực và trên thế giới.

Tùng Lâm

Đọc nhiều