Việt Nam là “Vua xuất khẩu” gia vị này, nhưng độ ngon thì phải bái phục Campuchia
Việt Nam hiện vẫn là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020, trong khi nguồn nhập hạt tiêu từ Indonesia, Brazil giảm, thì nhập từ Campuchia lại tăng mạnh.
Việt Nam – “Vua xuất khẩu” hạt tiêu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về xuất khẩu hạt tiêu. Đặc biệt, do diện tích gieo trồng loại cây này tăng mạnh, từ năm 2011, với 45,1 nghìn ha, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có diện tích và sản lượng thu hoạch tiêu lớn nhất thế giới.
Tính đến năm 2021, diện tích tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha.
Hạt tiêu Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đến 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 261 nghìn tấn hạt tiêu, đạt giá trị 938 triệu USD.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu hạt tiêu năm 2021 của Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu thị trường. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Mỹ, EU, UAE, Pakistan tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh.
“Vua xuất khẩu” vẫn phải nhập khẩu
Điều đáng quan ngại, trong khi Việt Nam đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và khối lượng tiêu xuất khẩu thì giá tiêu của nước ta trên thị trường quốc tế lại luôn ở mức thấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng hạt tiêu thu hoạch hàng năm của Việt Nam chiếm 50% trong tổng sản lượng toàn thế giới. Hiện 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam là để xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, phải cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỉ USD, thì trong bốn năm liên tục (2017-2020) giá hạt tiêu xuất khẩu đã sụt giảm liên tục (năm 2020 chỉ còn 666 triệu USD). Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%.
Rất may, đến năm 2021, giá hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu đã tăng 42% về giá so với năm 2020, trong khi giảm 8,5% về lượng.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 11 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhập khẩu 23.017 tấn hạt tiêu. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Indonesia, Brazil và Campuchia.
Đáng chú ý, từ năm 2020, trong khi nguồn nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia, Brazil giảm mạnh thì nhập từ Campuchia lại tăng mạnh. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập 5.731 tấn hạt tiêu Campuchia, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Nam Hải – nguyên Chủ tịch VPA – cho biết, sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên một lượng hồ tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu.
Hạt tiêu Campuchia ngon nhất thế giới
Theo thống kê của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, năm 2021, nước này đã xuất khẩu 28.074 tấn hạt tiêu, tăng 452% so với một năm trước đó. Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia với lượng tiêu thụ khoảng 27.111 tấn, chiếm 96,5%. Hạt tiêu xuất khẩu của Campuchia bao gồm cả hạt tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI.
Hiện tại, những vùng trồng tiêu lớn ở Campuchia bao gồm các tỉnh Kampong Cham, Thbong Khmum, Kampot và Kep. Trong đó, vùng trồng tiêu nổi tiếng nhất là tại tỉnh Kampot ở phía nam Campuchia và là tỉnh ven biển lớn thứ 3 của nước này. Khí hậu đặc biệt và thổ nhưỡng giàu khoáng chất của Kampot đã tạo nên hương vị đặc biệt cho sản phẩm hạt tiêu của nơi đây.
Theo nhiều trang web nổi tiếng như BBC, NPR, Prestige, Spiceography… hạt tiêu Kampot được đánh giá là loại hạt tiêu ngon nhất thế giới.
Bà Nathalie Chaboche – chủ trang trại hồ tiêu La Plantation lớn nhất tại tỉnh Kampot – nói với tờ NPR của Mỹ: “Champagne chỉ có thể phát triển ở một khu vực đặc biệt. Bạn không thể so sánh champagne với bất kỳ loại rượu nào khác, nó không giống nhau. Hạt tiêu Kampot cũng vậy, nó có một hương vị độc đáo, rất dễ nhận ra”.
Ông Hon Thon – một chủ vườn hồ tiêu tại tỉnh Kampot cho biết: “Ngành công nghiệp hồ tiêu gần như đã chết dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào cuối những năm 1970. Cha mẹ, ông bà tôi đều buộc phải chiến đấu cho Khmer Đỏ. Chế độ diệt chủng từ năm 1975 đến 1979 không cho phép người dân trồng trọt vì chúng cần người ra chiến trường”.
Khi chiến tranh kết thúc và Khmer Đỏ bị tiêu diệt, một số nông dân, bao gồm cả người thân của ông Thon, trở về vùng đất của họ và dần dần ươm mầm cho những cây hồ tiêu còn lại.
Ngành công nghiệp hồ tiêu Campuchia cần nhiều thời gian để hồi phục. Hai mươi năm trước, mỗi năm chỉ trồng được vài tấn tiêu.
Ngành công nghiệp này đã bắt đầu khởi sắc từ năm 2010, khi Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) trao quy chế Chỉ dẫn Địa lý Được bảo hộ (Protected Geographical Indication – PGI) để Kampot trở thành cái tên “có số có má” trong thế giới hạt tiêu.
Đến năm 2016, Liên minh Châu Âu (EU) chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt tiêu Kampot, như một sự khẳng định về chất lượng của sản phẩm này.
Hạt tiêu Kampot cũng đã được đăng ký bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia theo Đạo luật Geneva của Hiệp định Lisbon về Tên gọi xuất xứ và Chỉ dẫn địa lý.
Theo trang BBC, mặc dù giá tiêu Kampot đã từng lên đến đỉnh điểm khi hạt tiêu đỏ được bán với giá 25 USD/kg vào năm 2014 và đã giảm nhẹ kể từ đó – đặc biệt là do hạt tiêu Việt Nam với giá rẻ hơn đã chiếm lĩnh thị trường thế giới trong những năm gần đây – nhưng nông dân nơi đây vẫn trông cậy được vào chất lượng tuyệt hảo của hạt tiêu Kampot, chủ yếu dành cho khách hàng cao cấp.
Theo nhiều chuyên gia, việc giá hạt tiêu phục hồi và đi lên từ cuối năm 2019 là tiền đề tốt cho nông dân Campuchia tiếp tục áp dụng các công nghệ mới và cải tiến kỹ thuật trong canh tác hồ tiêu.
Hiện tại, theo yêu cầu của Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Hạt tiêu Kampot, tiêu tại địa phương này đều được trồng hoàn toàn hữu cơ, cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi để cho ra một loại hạt tiêu chất lượng.
Khai Tâm