Việt Nam là công xưởng mới của thế giới

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và 2 năm đại dịch Covid-19 đã và đang tạo nên một trật tự thế giới mới. Trong đó việc thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc, tìm kiếm một “chân trời mới” tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu chính là vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm.

Việt Nam, quốc gia kề cận Trung Quốc nổi lên như một “địa điểm hứa hẹn” với những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia sâu rộng vào hợp tác kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định FTA trong đó có nhiều nước lớn… Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn nắm giữ một vị thế quan trọng. Đặc biệt, mặc cho những khó khăn do giãn cách buộc phải đóng cửa các nhà máy tạm thời, Việt Nam vẫn làm tốt và ngày càng trở thành mắt xích không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, HSBC đã đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam vào đầu tháng 5/2022. Theo đó, kinh tế Việt Nam được nhận định vẫn tiếp tục thăng hoa nhờ sự bùng nổ của ngành hàng điện tử cũng như sự ổn định của dòng vốn FDI liên tục rót vào.

Dù quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng ít nhiều bị gián đoạn do dịch bệnh, các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam bởi quốc gia này sở hữu tính ổn định về mặt vĩ mô, chính sách FDI thu hút và chi phí nhân công hợp lý.

Theo HSBC, Việt Nam đang lấy lại hào quang chiến thắng như kỳ tích kinh tế trước đại dịch Covid-19 và trở thành công xưởng mới của thế giới. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung càng đẩy nhanh quá trình này, giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

“Từ một nước chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc và da giày với giá trị cộng thêm thấp, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ”, HSBC nhận định.

Ngoài ra, trang kinh tế lớn nhất của Nhật Bản Nikkei đã có loạt bài viết về phục hồi thần tốc chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Trang Nikkei khẳng định Đông Nam Á có tác động đặc biệt lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Điển hình như 40% hệ thống dây dẫn điện ô tô của nước này được cung ứng từ Việt Nam.

“Nếu Việt Nam giảm mức sản xuất sẽ làm rối loạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm giảm ưu thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và tình trạng sẵn sàng kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất chào đón với quy định chống dịch hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Để tăng cường chuỗi cung ứng tại Việt Nam, JICA đang nỗ lực chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam”, ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho hay.

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam. Đầu tiên, Việt Nam được biết đến như thị trường giá rẻ với chi phí nhân công cạnh tranh. Mặc dù Trung Quốc nổi tiếng là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, việc chi phí nhân công ở quốc gia này cao hơn gấp đôi so với Việt Nam khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của mình sang thị trường Đông Nam Á để tối ưu chi phí.

Điều này cũng được chính Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 13/4 vừa rồi: “Việt Nam là điểm đến được được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao”.

Không dừng lại ở đó, trong chuyến thăm, làm việc chiều ngày 17/5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn Intel, Apple và Google tại Mỹ, CEO Apple Tim Cook cho biết, Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

CEO Tim Cook cũng khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới

Riêng hai nhà kinh tế Aidan Yao và Shirley Shen của công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia (có trụ sở ở Singapore) đánh giá rằng Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực và có triển vọng vượt qua Ấn Độ, trở thành “công xưởng thế giới thứ hai” sau Trung Quốc.

Theo hai nhà kinh tế trên, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây.

Nhóm các nhà kinh tế của AXA Investment Managers Asia khẳng định: “Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh thương mại và trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trên thế giới”.

Thực hiện: Bảo Trâm

Đồ họa: M.N