Việt Nam khẳng định vị trí “người thuyền trưởng” của ASEAN 2020
Không phải là một trong năm nước thành lập ASEAN nhưng trải qua 25 năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam đã trở thành Chủ tịch của ASEAN và đóng góp không nhỏ vào sự hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Vừa qua, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu cởi mở và quan trọng.
Theo như Tổng Bí thư, Chủ tịch tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp trong khu vực và trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò một “người thuyền trưởng”, cùng các quốc gia thành viên vừa chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch, vừa tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và cùng nhau vững bước.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không quên nhắc lại những nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN chống dịch. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, vào khoảng giữa tháng 2, Thủ tướng đã ra Tuyên bố về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch bệnh. Việt Nam đã xây dựng cơ chế điều phối hợp tác phòng, chống dịch bệnh trong ASEAN, tổ chức nhiều cuộc họp bằng hình thức trực tuyến ở các cấp, các ngành. Hội đồng Điều phối ASEAN luôn phát huy vai trò trung tâm trong các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên, cũng như giữa ASEAN và các đối tác, tạo nên mạng lưới rộng khắp về phòng, chống, giảm tác động của dịch Covid-19. Là một trong những quốc gia có thành tích phòng chống dịch đã được cộng đồng quốc tế công nhận, Việt Nam đã đề xuất thành lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN, lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch… Việt Nam cũng kêu gọi xây dựng bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn của ASEAN cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Chính vì những thách thức như vậy nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn cũng như đề nghị các nước ASEAN thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến, kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động, hợp tác mới, thực chất và hiệu quả. Song song đó, củng cố hệ thống đa phương, đề cao luật pháp quốc tế.
Không chỉ riêng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có suy nghĩ cùng các nước ASEAN khôi phục lại kinh tế và ổn định đời sống của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch bệnh Covid-19 không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Hợp tác trên ba trụ cột vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ. Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 đã hoàn tất.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong năm Việt Nam làm Chủ tịch, ASEAN đã ra Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao nhân kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội, cũng như lập trường nguyên tắc nhất quán và cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong xây dựng Biển Ðông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định. Điều vui mừng là nhiều Tuyên bố quan trọng với các đối tác sẽ được thông qua, trong đó có Tuyên bố kỷ niệm 15 năm tiến trình Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), Tuyên bố về tăng cường hợp tác ASEAN+3 về nâng cao năng lực tự cường kinh tế tài chính. Đặc biệt là Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã hoàn tất đàm phán, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: “Việc ASEAN và các Đối tác kết thúc đàm phán và ký chính thức Hiệp định RCEP, thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ. Hơn 80 văn kiện được thông qua, con số văn kiện cao nhất trong một kỳ cấp cao ASEAN”.
Bức tranh Cộng đồng ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch quả thực rất đa sắc và chạm được đến xúc cảm đến lãnh đạo và người dân các nước. Chúng ta đã nỗ lực hết sức không phải vì nắm giữ chức vụ mà trên hết, lãnh đạo Việt Nam luôn xem ASEAN là một tổ chức có truyền thống và quan trọng trong khu vực. Những gì mà Việt Nam làm chính là tâm huyết gắn kết ASEAN, xây dựng ASEAN vững mạnh để có thể cùng nhau ứng phó với tất cả những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.
Dù Việt Nam đã trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam, đánh dấu chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2021 cho nước này nhưng tin rằng với những gì Việt Nam đã nỗ lực xây dựng ASEAN trong năm vừa qua thì các nước thành viên đã có thêm động lực để tiếp tục hành động với phương châm “Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng”.
Đặng Trường
.