Việt Nam kêu gọi các nước kiềm chế trên Biển Đông
Việt Nam kêu gọi Trung Quốc và Philippines kiềm chế sau khi có thông tin về vụ va chạm giữa tàu công vụ hai nước ở bãi Cỏ Mây.
“Việt Nam theo dõi chặt chẽ và quan ngại sâu sắc trước những thông tin về sự việc diễn ra ngày 17/6 tại khu vực bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói hôm nay, khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines ở bãi Cỏ Mây.
Theo bà Hằng, Việt Nam đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam cũng đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng và tuân thủ quy định quốc tế về an toàn hàng hải, hàng không, phòng chống đâm va trên biển, giải quyết tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực.
Giới chức Philippines hôm 18/6 cho biết một số thành viên lực lượng hải cảnh Trung Quốc đi xuồng cao tốc đã cản trở xuồng hải quân nước này làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, nước và vật tư tiếp tế cho binh sĩ trên tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre, được Manila sử dụng như tiền đồn ở bãi Cỏ Mây một ngày trước đó.
Philippines cho hay xuồng hải cảnh Trung Quốc đã có “hành vi nguy hiểm, trong đó có đâm va và lai dắt”, khiến ít nhất 8 thủy thủ Philippines bị thương, trong đó một người Mất ngón tay cái. Hai xuồng cao su bị hải cảnh Trung Quốc kéo đi và sau đó bỏ lại trong tình trạng hư hỏng.
Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc cáo buộc Philippines “hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc”. Họ cho biết một tàu Philippines “phớt lờ những cảnh báo liên tục và tiếp cận một cách nguy hiểm, thiếu chuyên nghiệp tàu Trung Quốc đang di chuyển bình thường, dẫn đến va chạm”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tàu tiếp vận đi cùng với hai xuồng cao tốc Philippines đang cố vận chuyển vật liệu xây dựng và các vật tư khác cho BRP Sierra Madre. Bắc Kinh mô tả hành động của hải cảnh Trung Quốc là “chuyên nghiệp, kiềm chế, hợp lý và hợp pháp”.
Bãi Cỏ Mây là thực thể nửa nổi nửa chìm trên Biển Đông và hiện do Philippines kiểm soát. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với thực thể này.
Quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre ủi vào bãi Cỏ Mây từ năm 1999 và biến nó thành tiền đồn để duy trì hiện diện. Trên tàu có đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Hôm 17/6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết một tàu tiếp vận Philippines đã tiếp cận một cách “có chủ ý và nguy hiểm” một tàu Trung Quốc, dẫn đến va chạm nhẹ giữa hai bên, sau khi tàu Philippines tiến vào vùng biển gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc là “sai trái và gây nhầm lẫn”.
Hải cảnh Trung Quốc cho biết tàu tiếp vận Philippines đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc nhiều lần. Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm Philippines trên Biển Đông cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm va và lôi kéo, gây nguy hiểm đến tính mạng các quân nhân và làm hư hại các tàu thuyền.
“Hành vi nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc sẽ bị lực lượng vũ trang Philippines kháng cự. Hành động của Trung Quốc gây trở ngại thực sự cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố.
Quân đội Philippines đã gia cố tàu BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ năm 1999.
BRP Sierra Madre từng là tàu đổ bộ dài 100m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến nó thành một tiền đồn đóng quân trái phép.
Trước đó, vào hôm 30/4, gần bãi cạn Scarborough, nơi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền, ngay trước khi Philippines đưa một đoàn dân sự lên bãi cạn này để triển khai chương trình tập trận chung Balikatan 2024 với Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.
Theo giới chức Philippines, một tàu tuần duyên và một tàu khác của nước này đã bị hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và bị hư hại, trong khi đang trên đường đến bãi cạn Scarborough để hỗ trợ ngư dân Philippines trong khu vực.
“Hải cảnh Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng cũng như gia tăng mức độ gây hấn của họ đối với tàu tuần duyên Philippines. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng tàu tuần duyên Philippines đã bị phun vòi rồng trực tiếp với áp lực như vậy, thậm chí còn dẫn đến hư hỏng cấu trúc” – người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Thiếu tướng Jay Tarriela, phát biểu hôm 1/5.
Trong khi đó, Gan Yu – người phát ngôn của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) – tuyên bố đã xua đuổi 2 tàu của Philippines vì “xâm phạm vùng biển giáp đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough)”.
Ông Gan cho biết CCG đã thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, bao gồm giám sát, cảnh báo bằng vòi rồng, ngăn chặn và kiểm soát, xua đuổi các tàu xâm phạm trái phép, đồng thời cho biết thêm rằng “các hành vi này rất chuyên nghiệp và hợp pháp”.
“Hành động của một số tàu thuyền Philippines làm vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”, đồng thời kêu gọi phía Philippines chấm dứt ngay hành động xâm phạm. Ông Gan nhấn mạnh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Hoàng Nham và vùng biển lân cận cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Philippines phản đối hành vi đâm va, bao vây, bám đuôi và chặn đầu, những hành động nguy hiểm như phun vòi rồng và các hành động gây hấn khác của hải cảnh và dân quân biển của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và các tàu dân quân Trung Quốc chống lại các tàu của Philippines”.
Tuyên bố viết: “Philippines yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi Bãi cạn Scarborough và vùng phụ cận ngay lập tức”.
Phía Philippines cho hay hai tàu tuần tra BRP Bagacay và BRP Datu Bankaw của nước này đã bị hư hỏng nặng sau khi hứng hơn 10 trận “pháo nước” từ vòi rồng của Trung Quốc.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết chi phí sửa chữa con tàu bị hư hỏng trong vụ việc là từ 2 đến 3 triệu PHP (từ 34.700 đến 52.000 USD). Họ cũng xác nhận Manila sẽ gánh chịu chi phí sửa chữa.
Bộ Ngoại giao Philippines sau đó đã triệu một nhà ngoại giao Trung Quốc đến để phản đối hành động phun vòi rồng vào các tàu Philippines ở cấu trúc tranh chấp trên biển.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã yêu cầu Manila dừng “các hành động khiêu khích”. Ông Lâm nói hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện “các biện pháp cần thiết” nhằm vào tàu Philippines xâm phạm.
Cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng việc làm thủy thủ đoàn Philippines bị thương và gây thiệt hại cho các tàu Philippines ở Biển Đông là “hành vi vô trách nhiệm và coi thường luật pháp quốc tế”.
Đông Duy