Việt Nam hưởng lợi gì từ cuộc chiến Mỹ – Trung?

Tuệ Ngô 06/09/2022 13:44

Mới đây, trang Financial Times của Anh đã có bài viết phân tích rõ những căng thẳng cho cả thế giới đến từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhận được “một chuỗi chiến thắng” sau hơn 2 năm diễn ra cuộc chiến.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình

Theo đó, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế 2 nước, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo Chiến tranh Thương mại Mỹ – Trung và Tái phân bổ Toàn cầu (Tài liệu 29562 của NBER) đã chỉ ra rằng, chiến tranh thương mại tạo ra cơ hội thương mại cho các quốc gia khác và tăng thương mại toàn cầu tăng 3%.

Đặc biệt, hưởng lợi nhiều nhất là các quốc gia có mức độ hội nhập quốc tế cao, nhờ tham gia các hiệp định thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đơn cử như việc Pháp đã tăng xuất khẩu của mình sang Mỹ và các nước còn lại trên thế giới để đáp lại các mức thuế. Tây Ban Nha tăng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới lại giảm. Tại Nam Phi và Philippines, việc tăng thuế quan đã làm giảm cả xuất khẩu sang Mỹ và xuất khẩu sang các nước còn lại trên thế giới.

Chiến tranh thương mại đã làm tổn thất kinh tế cho cả 2 phía Mỹ và Trung Quốc

Trái ngược lại, xuất khẩu tại Việt Nam lại tăng vọt, thu hút lượng lớn các nhà đầu tư chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Từ đó cho thấy rõ, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang mang lại lợi ích cho Việt Nam nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo Financial Times, sự thay đổi này đang nâng cao doanh số bán hàng của các nhà sản xuất và nhà cung cấp Việt Nam. Sự thay đổi rõ rệt không chỉ trong ngành dệt may mà còn một loạt các lĩnh vực khác, từ thủy sản đến chất bán dẫn; các lĩnh vực mà Mỹ đánh thuế đối với các đối tác Trung Quốc đã thu được lợi nhuận lớn nhất. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Quảng Châu cho thấy các công ty Trung Quốc đã mất thị phần cho các công ty ở châu Á, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Ngoài ra, chính ADB cũng đã phân tích và đưa ra ước tính rằng Việt Nam có thể tăng thêm tới 2% GDP tích lũy trong vòng 3 năm nếu tranh chấp thương mại Mỹ-Trung leo thang hơn nữa.

Theo Financial Times, thực chất mục tiêu chính của Mỹ là ép các công ty dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc về nước để tạo thêm công ăn việc làm và giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên thay vì về Mỹ, những công ty này dịch chuyển nhà máy hoặc tìm nguồn cung cấp từ các nước khác để vẫn giữ giá thành thành rẻ và tránh được các ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.

Bất ngờ, Việt Nam lại là quốc gia hội tụ đầy đủ yếu tố “cần và đủ”: nhân công, vị trí địa lý, độ mở kinh tế… để thu hút các công ty đang có ý định dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.

Thậm chí, nhiều chính sách hỗ trợ ngành sản xuất của Mỹ tại nước ngoài cũng được cho là gián tiếp có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ như Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (LinkSME) trị giá 22 triệu USD do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ giúp nhiều hãng kết nối với công ty nước ngoài, vốn đang có nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam như một lựa chọn thay thế Trung Quốc.

Apple đã từng bước dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam

Đây là cách mà hãng Metosak của Canada ký hợp đồng với một nhà cung ứng của Việt Nam như đã nói ở trên. Dự án LinkSME cũng giúp một số hãng dệt may xuất khẩu hàng hóa trong mùa dịch Covid-19, đồng thời tổ chức các hội thảo nhằm kết nối 60 nhà cung ứng trong nước với các công ty nước ngoài như Mitsubishi Motors, Ford Motor…

“Việt Nam là một nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Chuyên gia Robert Greenan của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi phát biểu trong một hội nghị về đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Curtis Chin từng làm việc cho Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng cho rằng các doanh nghiệp đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc để cắt giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hơn là phải lệ thuộc vào một nguồn duy nhất. Như vậy họ sẽ tránh được các rủi ro về chiến tranh thương mại, biến động địa chính trị cùng nhiều mối nguy khác.

Hiện Việt Nam đang được coi là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Lợi thế chi phí nhân công thấp, tình hình chính trị ổn định, nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết cùng vị trí địa lý thuận tiện cho các tuyến đường hàng hải đã giúp Việt Nam ghi điểm.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, Việt Nam cần biến những thách thức thành cơ hội và tận dụng “chiến thắng” mà cuộc chiến sinh tử này mang lại.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều