Ngày 24.9.2018, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Nó đánh dấu không chỉ mức độ gay cấn và quyết liệt mới trong cuộc xung khắc thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn làm lộ ra những điểm yếu mà cả Trung Quốc và Mỹ đang gặp phải.
Sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới của hai nước, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra đầu năm nay, một bầu không khí nặng nề đã bao trùm lên hệ thống thương mại toàn cầu. Cùng với sự gia tăng số lượng các mặt hàng mà Mỹ quyết định áp đặt thuế quan từ 18 lên đến hơn 10.000 như hiện nay, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác bao gồm: Canada, Mexico, và khối EU đã bị cuốn vào cuộc chiến này và buộc phải đáp trả bằng cách áp thuế lên khối lượng hàng tương ứng của Mỹ.
Khi thuế tăng lên, giao thương sẽ giảm. Các mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong khi các ngành trong chuỗi cung ứng sẽ không thể tránh được các ảnh hưởng liên đới.
Tất cả đã gây ra sự trì trệ kéo dài lên hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, qua đó tác động đến tăng trưởng của Việt Nam, vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong khi phải mất một thời gian dài cho quá trình dịch chuyển sản xuất thực sự diễn ra mạnh và các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng. Đồng thời đẩy các nhà sản xuất nội địa có thể bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc ngay trên chính sân nhà, khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đẩy mạnh bán hàng sang Việt Nam khi thuế tăng cao ở thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là Việt Nam không thể tìm thấy những điểm sáng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung. Giới doanh nghiệp và cả các nhà làm chính sách cần có chiến lược hành động nhằm tận dụng tối đa cơ hội để khẳng định vị trí của một số ngành nghề ở Việt Nam. Tận dụng triệt để các cơ hội có được khi cuộc chiến diễn biến theo bất kỳ hướng nào, Việt Nam cũng có thêm những động lực tăng trưởng kinh tế lâu dài cho nền kinh tế.
Nếu như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của quyết định áp thuế lần đầu của Mỹ thì tới ngày 8/3/2018 Việt Nam đã bắt đầu chịu tác động bởi quyết định áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm. Mỹ cho rằng các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc có thể đe dọa các nhà sản xuất trong nước và theo đó là an ninh quốc gia.
Trong khi đó, một phần không nhỏ thép Việt Nam bị cho rằng có nguồn gốc Trung Quốc và bị nghi ngờ có động thái lẩn tránh thuế hoặc phá giá khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến việc toàn bộ ngành nhôm thép Việt Nam có nguy cơ chịu cùng mức thuế suất 10% mới do Mỹ áp đặt.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội cho các nhà sản xuất nhôm/thép Việt Nam nếu họ khẳng định được tên tuổi của mình, nâng cao được chất lượng và minh bạch hoá được nguồn gốc sản phẩm. Không chỉ tránh được thuế, ngành nhôm thép thậm chí có thể chiếm được thị phần bỏ ngỏ bởi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông nghiệp bị đánh thuế trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ là áp lực lớn với thị trường Việt Nam. Thị trường trong nước có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết khi những sản phẩm lẽ ra được xuất khẩu sang Mỹ/Trung Quốc nay sẽ tìm cách để tràn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên xem đó là một cơ hội. Trung Quốc vừa tăng thuế suất lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt heo, trái cây và các sản phẩm khác, trị giá lên đến 3 tỷ USD. Bộ trưởng thương mại Trung Quốc cho biết, Chính phủ sẽ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác. Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh trồng và sản xuất các mặt hàng nông sản và thủy sản vốn được nước láng giềng ưa chuộng để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều được đưa ra nước ngoài một cách nhỏ lẻ, phân tán, và không xây dựng được thương hiệu cũng như thị trường độc lập. Việc cải thiện các yếu điểm trên trước đây có thể là khó khăn khi các sản phẩm của Việt Nam chịu sự cạnh tranh quá lớn của Trung Quốc tại hầu hết các thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Như vậy, thời điểm này là cơ hội quý báu cho Việt Nam khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương, và tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại đã ký kết. Về mặt chính sách, Việt Nam cần ưu tiên xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài.
Mặt khác, quyền sở hữu trí tuệ và nạn ăn cắp kỹ thuật của Trung Quốc được xem như là một nguyên nhân lớn dẫn tới chiến tranh thương mại trên. Nhà Kinh tế Derek Scissors của Viện Nghiên cứu xí nghiệp Mỹ cho rằng những công ty lớn có vai trò quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc như ZTE được lợi rất nhiều từ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Kết quả điều tra về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ước tính, tổn thất mỗi năm cho nền kinh tế nước này vì hàng nhái, phần mềm sao chép lậu và ăn cắp bí mật thương mại đã vượt ngưỡng 225 tỷ USD, có thể lên tới 600 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng nhất, chiếm 87% các sản phẩm nhái đang được bán ở Mỹ.
Việt Nam nên coi đây là một hồi chuông báo động để nâng cao hơn nữa, có những chính sách chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ. Từ đó chúng ta có thể giảm thiểu tối đa các tác động có thể có với những chính sách liên quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và có thể có cơ hội chào đón những dòng vốn đầu tư từ Mỹ cho việc sản xuất các sản phẩm kỹ thuật công nghệ.
Tóm lại, chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường và mức độ, phạm vi ảnh hưởng của nó còn là một câu hỏi mở. Trong khi nền kinh tế vĩ mô nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, Việt Nam cũng cần nhìn nhận được cơ hội trong một số ngành cụ thể để khẳng định thương hiệu và dành được thị trường.
Trong trường hợp chiến tranh thương mại có xu hướng xấu đi, các ngành được ưu tiên phát triển trong thời điểm này sẽ giúp giảm thiểu phần nào các ảnh hưởng tiêu cực. Còn nếu trong trường hợp quan hệ thương mại Mỹ – Trung quay lại vị thế cân bằng trước đây, các ngành nghề này sẽ là các động lực tăng trưởng hiệu quả cho kinh tế Việt Nam.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N