8
category
466226

‘Việt Nam dư thừa nam giới từ 15 năm trước’

17/01/2021 15:05

Tâm lý thích con trai ăn sâu vào đời sống nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, khiến tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao, theo Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).

Sau khi công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu về tổng điều tra dân số và nhà ở tại Việt Nam năm 2019, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn VnExpress về thực trạng chênh lệch giới tính khi sinh và dư thừa nam giới trong tương lai.

– Kết quả nghiên cứu chuyên sâu về tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cho thấy tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Bà nhận định như thế nào về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam?

– Đúng là hiện nay tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111,5 bé trái/100 bé gái. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường (tự nhiên) là 105 bé trai/ 100 bé gái. Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ ba ở khu vực châu Á.

Tỷ số này có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng trên cả nước. Nhìn chung miền Bắc có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn, miền Nam thấp hơn. Tỷ số này cũng khác biệt và tăng lên theo thứ tự sinh. Với con đầu lòng, tỷ số giới tính đã ở mức cao, nhưng các lần sinh sau còn cao hơn.

Có một điểm rất thú vị là tỷ số giới tính khi sinh cũng rất cao ở các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và trình độ giáo dục cao. Tôi cho rằng, nguyên nhân là bởi các gia đình này có điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính cũng như thông tin, và qua đó có khả năng tiếp cận công nghệ lựa chọn giới tính trước sinh tốt hơn.

Nhưng cần lưu ý, không phải chỉ ở các hộ dân cư giàu có thì tỷ số này mới ở mức cao. Chúng tôi đã đánh giá tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam trong 10 năm qua và thấy rằng tỷ số vẫn ở mức cao ở nhóm 20% các hộ dân cư có điều kiện khá giả nhất. Các nhóm ở giữa có xu hướng giảm nhẹ. Nhưng nhóm các hộ nghèo và nghèo nhất thì tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển, nên ngay cả những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cũng bắt đầu có thể tiếp cận với các nguồn lực tài chính, thông tin, công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân

– Theo bà, những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam như hiện nay?

– Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, về cơ bản tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, là tâm lý ưa thích con trai ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tâm lý ưa thích con trai là một truyền thống văn hóa đã ăn sâu vào đời sống của người dân. Ở góc độ gia đình, gia đình nào cũng muốn có con trai, thậm chí đến mức coi trọng con trai hơn con gái. Lý do làm bởi con trai được coi là nguồn đảm bảo cho cha mẹ khi về già, lao động chính trong gia đình, nguồn thu nhập chính, đồng thời là người thừa kế, duy trì nòi giống, gìn giữ tài sản gia đình. Đây là nguyên nhân quan trọng, tạo ra nhu cầu phải sinh con trai, khiến tỷ số giới tính khi sinh tăng cao.

Thứ hai, sự ra đời của công nghệ hiện đại, khiến việc lựa chọn giới tính khi sinh trở nên khả thi với nhiều gia đình. Công nghệ mới một mặt hỗ trợ phát hiện và giảm thiểu tai biến trong quá trình mang thai và sinh con. Nhưng mặt khác nó cũng hỗ trợ việc xác định giới tính của em bé trước khi chào đời, và tạo điều kiện cho việc lựa chọn giới tính trước sinh.

Thứ ba, hiện nay do mức sinh ở Việt Nam đang giảm tương đối nhanh và số con mà một cặp vợ chồng có thể sinh đang ít đi, nên điều này tạo ra áp lực khiến các cặp vợ chồng phải sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh để sinh được con trai.

– Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là dư thừa nam giới, sẽ dẫn đến những hệ quả ra sao về kinh tế, xã hội?

– Theo các dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác. Đó là song song với hiện tượng dự thừa nam giới là hiện tượng thiếu hụt nữ giới. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 45.900 bé gái, tức là 45.900 bé gái không có cơ hội chào đời chỉ vì các em là con gái. Đây là minh chứng rõ cho thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại hiện nay.

Tình trạng dư thừa nam giới dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là sức ép hôn nhân, tức nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Điều này làm mất cân bằng cấu trúc dân số, từ đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình…

Tất cả những hệ quả này đều liên quan đến câu chuyện dư thừa nam giới và thiếu hụt nữ giới.

Câu chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được phát hiện 15 năm về trước. Điều đó cũng có nghĩa là hiện nay, chúng ta phải xử lý hệ quả cộng dồn của sự thiếu hụt nữ giới và dư thừa nam giới đã diễn ra trong suốt 15 năm qua và sẽ còn tiếp diễn.

Ba bé trai chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tháng 7/2020. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ba bé trai chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tháng 7/2020. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

– Việt Nam cần xây dựng chiến lược như thế nào để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và dư thừa nam giới trong tương lai?

– Trên thế giới hiện có khoảng 10 nước đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ba nước điển hình là Hàn Quốc, Singapore, và Tunisia đã thành công trong việc đảo ngược xu hướng này. Đặc biệt, Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa và địa lý, đã rất thành công trong việc tái cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Một trong những chính sách mà cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đã ban hành là cấm tiết lộ giới tính thai nhi trong các buổi khám thai. Riêng Hàn Quốc đã áp dụng những chính sách giáo dục tiến bộ cho phụ nữ, trẻ em gái và cho mọi người về vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái.

Vào những năm 1980 của thế kỷ XX, tỷ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc cũng giống như ở Việt Nam hiện nay, nhưng với các biện pháp trên, quốc gia này đã đảo ngược thực trạng trên. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng là cần có các biện pháp truyền thông để thay đổi nhận thức của xã hội và cộng đồng về vấn đề này. Đồng thời, các khung pháp lý cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực như sở hữu và thừa kế tài sản…

Với Việt Nam, để giải quyết vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh, cần có các giải pháp tổng hợp cả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến câu chuyện này, đưa ra khung pháp lý và nhiều chính sách để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Vậy nên, ưu tiên trước hết phải đảm bảo rằng các chính sách đó được thực thi nghiêm túc, giám sát một cách chặt chẽ. Đơn cử, quy định cấm tiết lộ giới tính khi sinh cần được thực hiện nghiêm. Trẻ em gái cần có quyền được sinh ra và quyền được sống.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa; tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là cứ 100 bé gái sinh ra thì có 111,5 bé trai, được đánh giá là “mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao”. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh theo tự nhiên khoảng 105 bé trai/100 bé gái. Năm 2019, cả nước có 45.900 bé gái bị thiếu hụt theo tỷ số này.

Dự báo, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034; dư thừa 2,5 triệu nam giới vào năm 2059.

Việt Nam dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034

‘Việt Nam cần chuẩn bị thích ứng với thời kỳ dân số già’

Dân số Việt Nam đạt 96 triệu

Viết Tuân

Tags :
Đọc nhiều