Việt Nam có thể ứng phó Omicron với tỷ lệ tiêm vaccine cao?
Trong nửa sau năm 2021, Việt Nam đã tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao vượt bậc. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng gần như tuyệt đối của một số tỉnh, thành phố trở thành “mơ ước” của nhiều quốc gia.
Cùng với kinh nghiệm ứng phó qua đợt bùng phát dịch bởi biến chủng Delta, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đủ khả năng ứng phó nếu Omicron xâm nhập.
Các chuyên gia cũng cho rằng nếu thật sự biến chủng Omicron “hiền lành” hơn Delta thì chúng ta không cần quá sợ hãi.
Độ phủ vaccine cao là thế mạnh để chống biến chủng mới
Theo số liệu của bảng xếp hạng dữ liệu toàn cầu (Our World in Data), thời điểm cuối tháng 5, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp nhất Đông Nam Á với 1,1%, đứng sau Myanmar, Philippines, Thái Lan.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, đến 5/12, thứ tự này đã có sự thay đổi lớn. Việt Nam đang đứng vị trí thứ 6 trong khu vực về độ phủ vaccine với 55% người tiêm đủ liều vaccine, sau Singapore (92%), Brunei (80%), Campuchia (79%), Malaysia (78%) và Thái Lan (61%).
“Nhiều bằng chứng hiện nay cho chúng ta niềm tin rằng biến chủng mới này không có độc lực mạnh. Điều đáng kỳ vọng là hệ thống y tế của Nam Phi cũng chưa rơi vào tình trạng quá tải điều trị”, bác sĩ Khanh nói.
Cuối tháng 5, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp nhất Đông Nam Á. Đến 5/12, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 6 trong khu vực về độ phủ vaccine với 55% người tiêm đủ liều. Ảnh: Ourworldindata.
Bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao ở người trên 18 tuổi là lợi thế của Việt Nam. Khi độ bao phủ vaccine cao thì người bệnh có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải hệ thống y tế, tốc độ lây nhiễm cũng chậm hơn.
Chuyên gia này cũng đưa ra kịch bản lạc quan rằng nếu Omicron có độc lực nhẹ hơn và đẩy lùi được Delta, viễn cảnh hy vọng trong tương lai là SARS-CoV-2 trở thành một trong những nguyên nhân gây cúm thông thường.
“Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ vaccine thật tốt, bởi một khi mở cửa, Omicron xâm nhập là vấn đề sớm muộn chứ không thể trì hoãn”, bác sĩ Khanh nhận định.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng việc biến chủng Omicron xuất hiện ở Việt Nam là tất yếu.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được nếu biến chủng mới xâm nhập. Ông phân tích bối cảnh ở Việt Nam hiện tại khác nhiều với câu chuyện nửa năm trước.
“Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam ở mức khá cao so với quốc tế. Việc chúng ta cần làm là tiếp tục nâng cao hơn nữa tỷ lệ này. Ngoài ra, thông tin ban đầu liên quan độc lực, mức độ nặng, biểu hiện lâm sàng của Omicron không thấy trầm trọng hơn so với Delta”, PGS Hùng chia sẻ.
2 mũi nhọn chống dịch quan trọng nhất
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng trong giai đoạn trước, 2 nguồn lực quan trọng mà chúng ta chưa tập trung là hệ thống điều trị và tăng cường tiêm vaccine.
“Đa số trường hợp tử vong do Covid-19 là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Do đó, để không rơi vào tình thế lúng túng như giai đoạn đầu, việc cần làm là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đủ liều vaccine cho toàn dân”, ông nói.
Chuyên gia này phân tích trong thời điểm biến chủng Delta mới xâm nhập, các giải pháp phòng, chống dịch thực hiện chưa kịp thời. Với tốc độ lây lan nhanh, một số biện pháp phòng dịch cổ điển với Delta ít hiệu quả, như thiếu hụt nguồn oxy, thiếu cơ sở điều trị…
“Từ những bài học kinh nghiệm đã qua, hy vọng những chệch choạc trong giai đoạn đầu ứng phó với Delta sẽ không lặp lại khi biến chủng Omicron xuất hiện”, PGS Dũng nói thêm.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM cho hay khi SARS-CoV-2 có biến chủng mới, sự đáp ứng với vaccine có thể không thể đạt hiệu quả như với biến chủng cũ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều chắc chắn là vaccine góp phần tăng miễn dịch, chống bệnh nặng và tử vong.
Thống kê của Nam Phi, mỗi ngày, nơi đây có hàng nghìn người mắc Covid-19 mới nhưng số tử vong rất thấp. Trong đó, ngày 4/12, ghi nhận 16.000 ca, số tử vong là 21.
Ngày 5/12, Nam Phi có 11.000 ca mới nhưng số tử vong ghi nhận là 1. Số ca mắc mới ở Nam Phi cao hơn Việt Nam khoảng 10 lần nhưng số tử vong thấp chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định các thông tin này có thể là căn cứ giúp chúng ta hy vọng Omicron là biến chủng “hiền” hơn so với Delta. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị kịch bản chu đáo, việc Omicron xâm nhập sẽ tạo thêm gánh nặng lớn cho ngành y tế.
“Vì biến chủng này quá mới, chúng ta phải cảnh giác nên không thể tự tin vào tỷ lệ tiêm vaccine cao”, chuyên gia nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng nhấn mạnh trong giai đoạn này, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và xây dựng hệ thống điều trị tốt, cách ly tại nhà với F0 là 2 mục tiêu quan trọng nhất.
“Trong thời gian chờ thêm thông tin cụ thể hơn về biến chủng mới, chúng ta cần nhanh chóng rà soát và tiêm vaccine cho toàn bộ người cao tuổi, người có nguy cơ cao, bởi họ là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất”, PGS Hùng nói.
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, hiện nay, chúng ta vẫn còn khoảng 20-30 triệu mũi vaccine cho người lớn cần tiêm. Đây vẫn là số lượng rất lớn. Đặc biệt là trường hợp khó tiếp cận tiêm chủng như quá già, thể trạng quá yếu, không thể di chuyển.
Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ tiêm chủng lên cao với nhóm này cũng là vấn đề khó khăn, cần sự nỗ lực rất lớn của y tế cơ sở và ý thức của gia đình.
“Tôi cho rằng chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ ở TP.HCM là tốt và đáng lý ra nên thực hiện từ sớm hơn”, ông nói.
Về góc độ điều trị, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng việc nâng cao năng lực hệ thống điều trị từ tuyến cơ sở rất quan trọng. Với tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta hay Omicron, việc cách ly, điều trị F0 tại nhà ở các địa phương là tất yếu nên làm.
“Không thể F0 tăng bao nhiêu thì xây dựng lên bấy nhiêu bệnh viện dã chiến. Nếu không triển khai tốt, chúng ta sẽ lúng túng như trước đây. Nguy cơ Omicron xâm nhập rất cao, do đó, chúng ta cần dứt khoát không để tái diễn tại những câu chuyện đau lòng như trước”, ông nhấn mạnh.
Khai Tâm