Việt Nam có ‘kho báu’ lớn top đầu thế giới

Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng khoáng sản lớn trên thế giới, với 4 loại khoáng sản nằm trong top 5 về trữ lượng.

Trong số đó, 2 loại đứng thứ hai (đất hiếm và bô xít), 1 loại đứng thứ ba (vonfram) và 1 loại đứng thứ năm (fluorit) trên toàn cầu.

Hiện Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới, theo kết quả điều tra của ngành địa chất, Bộ TN&MT.

 

Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt. Với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm chủ yếu tập trung ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, nơi có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản này. Những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.

Đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi trồng trọt. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang…

Nó còn dùng để chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính…. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.

Bô xít là loại khoáng sản khác tại Việt Nam có trữ lượng đứng thứ hai trên thế giới, với khoảng 5,8 triệu tấn, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quặng bô xít ở Việt Nam có hai loại chính, gồm bô xít nguồn gốc trầm tích phần lớn nằm ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An.

Bô xít nguồn gốc phong hóa laterit từ đá bazan tập trung ở các tỉnh phía Nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi. Dù quặng bô xít phân bổ khá đều trên cả nước, quặng bô xít ở Tây Nguyên được nhà nước chú trọng tập trung khai thác.

Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp Alumin, luyện nhôm lớn nhất Việt Nam. Tỉnh Đắk Nông sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, với 218 mỏ và điểm mỏ, gồm 16 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao.

Bô xít là loại quặng nhôm nguồn gốc đá núi lửa có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Nó thường được sử dụng làm lò cao, môi (giá) sắt/thép, ximăng, sản xuất nhôm, phễu rót kim loại lỏng, hồ ngâm vật liệu, lòng lò nung, torpedo cars vòm lò cao sử dụng điện…

Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng vonfram cao thứ ba thế giới với 95.000 tấn, sau Nga (400.000 tấn) và Trung Quốc (1,9 triệu tấn).

Thái Nguyên là tỉnh có trữ lượng vonfram lớn nhất Việt Nam. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như: Vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm…

Đáng chú ý, Thái Nguyên là địa phương có mỏ vonfram đa kim trữ lượng lớn nhất cả nước và lớn thứ ba thế giới ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ).

Ngày nay, vonfram được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng. Kim loại này gần như không thể thay thế trong một số lĩnh vực công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và hợp kim thép.

Bên cạnh đó, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng quân sự, hàng không và sản xuất điện.

Theo một chuyên gia luyện kim màu, Việt Nam đang có vị thế đáng nể sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về vonfram.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng fluorit đạt khoảng 5 nghìn tấn, đứng thứ 5 thế giới.

Fluorit là khoáng vật thuộc nhóm Halozenua; là khoáng vật rất dễ nóng chảy nên chúng thường được dùng làm chất trợ dung trong lò cao.

Khoáng vật này được sử dụng làm phụ gia trong luyện kim, sản xuất hóa mỹ phẩm và chất phụ gia trong nhà máy xi măng; dùng trong sản xuất axit flohidric, làm men tráng trong nghề gốm; fluorite trong suốt tinh thể lớn được dùng làm dụng cụ quang học.

Hiện nay, ở Việt Nam, quặng fluorit tập trung chủ yến ở Lào Cai, Lai Châu, Phú Yên…

Hạ Băng