Việt Nam có khả năng là công xưởng thế giới không?

Huy Hoàng 03/02/2023 16:25

Trong mắt nhiều tờ báo nước ngoài, Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và được nhận định có thể trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới. Vậy cơ sở nào để chứng minh điều này và liệu Việt Nam có khả năng là công xưởng thế giới không?


Việt Nam đang ngày càng có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Việt Nam – mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng

Khi đại dịch covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine ập đến, làm chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng bị đứt gãy, từ quần áo, giày dép, hàng điện tử cho đến cả lương thực, thực phẩm và năng lượng, đẩy nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh thiếu thốn. Trong tình hình đó, Trung Quốc, công xưởng toàn cầu lại thực thi biện pháp đóng cửa. Ấn Độ, vựa gạo lớn nhất của thế giới lại cấm xuất khẩu gạo. Hay Indonesia, cấm xuất khẩu dầu cọ,…

Sự thiếu vắng đó đã làm nổi bật lên Việt Nam, một cái tên mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã nỗ lực để đảm bảo chuỗi cung ứng từ nơi mình không bị đứt gãy. Trong đó, nổi bật là mặt hàng gạo, dệt may và hàng điện tử. Nỗ lực dập tắt dịch bệnh trong nước sớm nhất có thể và đẩy nhanh chính sách mở cửa trong năm 2021-2022, nguồn hàng từ Việt Nam đã góp công rất lớn vào sự hồi phục cho nền kinh tế thế giới.

Chính nhờ có tinh thần quốc tế Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một thành viên rất có trách nhiệm. Đó cũng là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm đến hợp tác khi Việt Nam bày tỏ mong muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thái độ ứng xử của Việt Nam trong đại dịch, đã không chỉ giúp các doanh nghiệp ngoại đảm bảo việc bán hàng, mà còn giúp những quốc gia phụ thuộc nhập khẩu không rơi vào tình cảnh thiếu hàng hay đứt gãy nguồn cung một cách đột ngột. Đây là điểm đã thu hút dòng vốn FDI đến Việt Nam bên cạnh những hiệp định thương mại tư do hay lợi thế về vị trí địa lý.

Với sự ủng hộ to lớn của quốc tế đó, liệu Việt Nam có khả năng trở thành công xưởng mới của thế giới hay không?

Xuất khẩu mạnh mẽ, GDP gia tăng, các tập đoàn lớn thế giới mở rộng nhà máy tại Việt Nam… những thông tin về việc Việt Nam được cho là sắp thay thế Trung Quốc để trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu trong nhiều năm qua đã tạo ra sự hứng khởi cho rất nhiều người. Nhưng với không ít các chuyên gia lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng vẫn còn đó rất nhiều thử thách, cản bước Việt Nam chạm vào mục tiêu này.

Vì thực tế có trách nhiệm quốc tế thôi chưa đủ, Việt Nam vẫn còn giải quyết vấn đề là nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Sở dĩ Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng toàn cầu, bởi ở đó, năng lực sản xuất trong nước họ rất cao, những chi tiết cấu tạo nên thành phẩm của một doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc, là do doanh nghiệp nội địa Trung Quốc sản xuất. Vì đã xây dựng được một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu khổng lồ, thế nên hầu hết các doanh nghiệp ngoại phụ thuộc vào Trung Quốc thay vì ngược lại.

Trong khi ở Việt Nam, năng lực sản xuất các nguyên vật liệu, linh kiện,… vẫn chưa được cao, thế nên các tập đoàn lớn vẫn phải nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. Điều đó biến Việt Nam trở thành một nơi gia công, chứ chưa phải là một công xưởng đúng nghĩa. Xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng nhiều, đó là bằng chứng cho thấy năng lực sản xuất trong nước chưa cao. Đồng nghĩa vẫn còn một chặng đường dài để chạm tay đến mục tiêu công xưởng toàn cầu. Do đó, cần tìm giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lực sản xuất trong nước, năng lực sản xuất càng cao sẽ càng tạo cơ sở để cho ra những sản phẩm thực sự là “Made in VietNam”.

Huy Hoàng

Đọc nhiều